|
Số kim cương đối tượng P.S.H (quốc tịch Ấn Độ) nhập cảnh từ Ấn Độ vào Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. |
Phát hiện vụ vận chuyển trái phép 700 viên kim cương
Ngày 29/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố phát hiện thông tin về hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa là kim cương qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau khi vận chuyển trót lọt, số kim cương trên sẽ được đối tượng bán lại cho các chủ hàng người Việt Nam trên địa bàn Thành phố nhằm thu lợi bất chính.
Theo đó, lúc 9 giờ ngày 23/10/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Công an quận Tân Bình kiểm tra và phát hiện P.S.H (quốc tịch Ấn Độ) nhập cảnh từ Ấn Độ vào Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa là kim cương.
Qua làm việc, đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi như trên. Kết quả kiểm tra ban đầu, Cơ quan chức năng xác định số hàng hóa do P.S.H vận chuyển trái phép gồm hơn 700 viên kim cương tự nhiên và nhân tạo, trị giá ước tính hàng chục tỷ đồng.
Căn cứ kết quả xác minh, làm việc ban đầu và tài liệu chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố nhận thấy hành vi của P.S.H có dấu hiệu của tội phạm “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” được quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Hiện, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, đồng thời mở rộng điều tra, truy xét tất cả các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
|
Cơ quan điều tra thi hành Lệnh bắt tạm giam bị can Bùi Văn Cường. |
Khởi tố 2 đối tượng mua bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm
Ngày 29/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bùi Văn Cường (sinh năm 1982, trú tại Thôn 3, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ngay sau đó, Tổ công tác đã di lý bị can về tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu để phục vụ công tác điều tra.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 5/2024, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu phát hiện có nhóm đối tượng có hoạt động mua bán, vận chuyển động vật nguy cấp, quý hiếm từ huyện Mường Tè (Lai Châu) đi tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội…
Sau nhiều ngày áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 18/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lai Châu đã bắt giữ Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1986, trú tại Khu 3, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè) về hành vi vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm. Tang vật thu giữ gồm: 2 chi loài gấu ngựa, 7 cá thể loài rùa đầu to.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Toàn khai nhận toàn bộ số tang vật này là của Lê Thị Hường (sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú tại Bản Mường Tè, xã Mường Tè, huyện Mường Tè) nhờ đối tượng vận chuyển về Hà Nội bán cho khách hàng.
Cùng ngày 18/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét nơi ở của Lê Thị Hường; thu giữ nhiều động vật rừng, cùng những đồ vật, tài liệu khác liên quan. Trong khi lực lượng chức năng thực hiện lệnh khám xét, đối tượng Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1982, đang chung sống như vợ chồng với Hường) đã manh động, có hành vi chửi bới, dùng hung khí đe dọa, chống trả những người làm nhiệm vụ, nên lực lượng chức năng đã bắt giữ Tuấn và khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ trong một vụ án khác.
Quá trình điều tra vụ án, đối tượng Lê Thị Hường lợi dụng việc đang nuôi con nhỏ, trốn tránh không chấp hành giấy triệu tập làm việc của Cơ quan Cảnh sát điều tra và dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng. Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã có đủ căn cứ xác định Hường là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây. Đối tượng Bùi Văn Cường là một mắt xích thường xuyên giúp sức cho Hường mua bán động vật nguy cấp, quý hiếm.
Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Hường và Bùi Văn Cường về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, bị can Hường hiện đã bỏ trốn.
Vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra mở rộng, truy bắt Lê Thị Hường; làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng đồng phạm.
Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Lưu Quang Huy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa, Phú Thọ
Ngày 29/10/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy:
Đồng chí Lưu Quang Huy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa, nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị công tác.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Lưu Quang Huy.
Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
|
Hình ảnh trực quan từ không gian của dòng hải lưu Gulf khi nó di chuyển qua Bắc Đại Tây Dương - Ảnh: NASA |
Báo động nguy cơ sụp đổ dòng hải lưu Đại Tây Dương, đe dọa tương lai Trái Đất
Dòng hải lưu đảo ngược Đại Tây Dương (AMOC) - một hệ thống phức tạp của các dòng hải lưu, trong đó có Gulf Stream, chuyên vận chuyển nhiệt lượng, chất dinh dưỡng và oxy qua Bắc Đại Tây Dương, đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ, có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho Trái Đất. Đây là cảnh báo được một nhóm nhà khoa học đưa ra trong thư ngỏ gửi tới Hội đồng Bắc Âu – đang nhóm họp tại thủ đô Reykjavik (Iceland) trong hai ngày 28 và 29/10.
Trong thư ngỏ, các nhà khoa học cảnh báo việc đánh giá thấp nguy cơ sụp đổ AMOC có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho các quốc gia Bắc Âu. Theo đó, các nước Bắc Âu sẽ phải đối mặt với mùa Đông lạnh giá khắc nghiệt, thời tiết cực đoan và nạn đói. Trên phạm vi toàn cầu, mực nước biển sẽ dâng cao, các mô hình mưa thay đổi và nhiều hệ sinh thái biển bị phá hủy. Do đó, các nhà khoa học muốn các nhà lãnh đạo Bắc Âu lưu ý tới “nguy cơ nghiêm trọng về sự thay đổi lớn trong dòng hải lưu ở Đại Tây Dương".
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ sụp đổ AMOC là tình trạng biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra. Việc khí hậu Trái Đất ấm lên khiến các dòng hải lưu bị xáo trộn và làm suy yếu AMOC.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ sụp đổ AMOC và các nghiên cứu gần đây càng khẳng định tính cấp bách của vấn đề, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có dự báo thống nhất về thời điểm xảy ra điều này. Báo cáo đánh giá thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho rằng AMOC sẽ không sụp đổ đột ngột trước năm 2100. Tuy nhiên, trong thư ngỏ, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu mới chỉ ra rằng nguy cơ sụp đổ AMOC đã bị “đánh giá thấp đi rất nhiều” và điều này có thể xảy ra trong vài thập niên tới./.