Phú Thọ triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh quy mô lớn

Thứ tư, 21/12/2022 19:34
(ĐCSVN) – Phú Thọ triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh quy mô lớn; Bắt khẩn cấp đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép; Bắt quả tang 1 chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh nhận hối lộ; Châu Âu đối mặt làn sóng dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay;… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 21/12.

Phú Thọ: Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh quy mô lớn

Ngày 21/12, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, từ ngày 15/11 đến 15/12, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh đã phát hiện, triệt phá thành công một đường dây đánh bạc liên tỉnh dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet quy mô lớn do đối tượng Khuất Hồng Sơn (sinh năm 1987, ở khu 9, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh) cùng đồng bọn thực hiện. Bước đầu cơ quan điều tra xác định, quy mô của đường dây đánh bạc trên lên đến 1.000 tỉ đồng.

Quy mô của đường dây đánh bạc trên lên đến 1.000 tỉ đồng (Ảnh minh họa: TL)

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, các đối tượng đã điều hành đường dây đánh bạc cá độ bóng đá qua mạng internet trên trang web www.viva88.net. Trong đó, Nguyễn Tú Viên (sinh năm 1985, ở số 57, tổ 4, khu phố 3, Tân Hưng Thuận, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) là chủ tài khoản đánh bạc cá độ bóng đá cấp tổng đại lý. Viên cung cấp nhiều tài khoản đại lý đánh bạc với hạn mức khoảng 50.000 điểm đến 200.000 điểm (một điểm có giá quy đổi từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng) cho các đối tượng khác nhau trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và thành phố Hải Phòng. Các đối tượng quản lý tài khoản cấp đại lý chia cắt thành nhiều tài khoản đánh bạc để các con bạc đăng nhập vào trang web www.viva88.net thực hiện việc cá cược các trận bóng đá của nhiều giải bóng đá trên thế giới, trong đó có Worldcup 2022 với số tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng/1 kèo/1 trận đấu. Để đối phó với cơ quan chức năng, nhóm đối tượng trên đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber... liên lạc với nhau và thanh toán tiền qua chuyển khoản ngân hàng với nội dung ngụỵ trang như chuyển tiền hàng, vay tiền...

Sau gần một tháng thực hiện đấu tranh với đường dây đánh bạc xảy ra trên địa bàn các địa phương Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lâm Đồng... đến ngày 13/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về tội đánh bạc và đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Bắt khẩn cấp đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép

Ngày 21/12, thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) cho hay, đơn vị đã bắt, khởi tố và bàn giao cho cơ quan Công an đối tượng trong đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia.

 Đối tượng Nguyễn Văn Phán bị bắt giữ  vì tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. (Ảnh: TTXVN 

Khoảng 8 giờ ngày 13/12, tại khu vực cột mốc 312 thuộc tổ 10 (khu phố Mỹ Lộ, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên), Tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên phát hiện hai người có hành vi chuẩn bị xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia. Tổ công tác đã tạm giữ và đưa về đơn vị để điều tra, làm rõ vụ việc. Hai đối tượng gồm Dương Văn Cương (sinh năm 1998, quê tỉnh Hà Nam) và Đặng Hồng Long (sinh năm 2000, quê tỉnh Nam Định), đều là lao động tự do.

Qua lời khai của Long và Cương, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đã tiến hành điều tra, xác minh phát hiện có dấu hiệu của đường dây tổ chức cho công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép để làm việc tại các công ty do người nước ngoài làm chủ. Các đối tượng tại địa bàn thành phố Hà Tiên cấu kết với đối tượng người Campuchia và ở các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức thực hiện đường dây này.

Lực lượng nghiệp vụ đã đấu tranh làm rõ vụ việc, xác định Nguyễn Văn Phán (sinh năm 1973, ngụ thành phố Hà Tiên) có liên quan. Đối tượng đã thừa nhận hành vi cấu kết với một số đối tượng người Campuchia và Việt Nam tổ chức cho 4 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia để nhận 28 triệu đồng tiền công.

Sau khi củng cố đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Phán. Sau đó, đơn vị đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” theo Điều 348 Bộ luật Hình sự; bàn giao người, tang vật, tài liệu, vật chứng cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Bắt quả tang một chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh nhận hối lộ

Ngày 21/12, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết đang điều tra hành vi nhận hối lộ của bà Kim Thanh Hạnh, chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

 Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm việc, lấy lời khai những người liên quan (Ảnh: CAND)

Trước đó vào tối 20/12, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã lập biên bản phạm pháp quả tang đối với bà Kim Thanh Hạnh về hành vi nhận hối lộ. Trong sáng 21/12, cơ quan này đã tiến hành khám xét phòng làm việc của bà Kim Thanh Hạnh tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thông tin ban đầu, chấp hành viên Kim Thanh Hạnh được phân công thi hành bản án với nội dung ông Chu Steven Le (quốc tịch Canada) và vợ là bà Nguyễn Thị Bích Ngân (quốc tịch Mỹ) phải trả cho ông Nguyễn Quốc Vương (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) hơn 2,5 tỷ đồng.

Sau khi thi hành bản án, chấp hành viên Kim Thanh Hạnh đòi bà Ngân đưa 350 triệu đồng để Hạnh làm thủ tục bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành đối với bà Ngân trước đó.

Chiều tối 20/12, bà Hạnh hẹn đương sự đến một bệnh viện phụ sản trên địa bàn quận Tân Bình là địa điểm giao nhận tiền. Khi việc giao nhận tiền đang diễn ra, các điều tra viên của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bắt quả tang.

Châu Âu đối mặt làn sóng dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay

Ngày 20/12, giới chức y tế châu Âu cho biết trong năm qua, khu vực này đã đối mặt với các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay, trong khi các chuyên gia đang nghiên cứu tính khả thi của việc tiêm vaccine ở gia cầm.

 Trang trại nuôi ngỗng ở làng Ujkigyos, Hungary. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 Theo Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu và Liên minh châu Âu (EU), trong thời gian từ tháng 10/2021-9/2022, đã có khoảng 2.500 đợt bùng phát dịch cúm gia cầm được ghi nhận tại các trang trại ở 37 nước châu Âu. Khoảng 50 triệu gia cầm đã bị tiêu hủy do mắc bệnh. Con số này chưa bao gồm số gà, vịt và gà tây bị tiêu hủy để phòng ngừa dịch lây lan.  Theo EFSA, đây là lần đầu tiên hai làn sóng dịch liên tiếp xảy ra, khi nhà chức trách không kiểm soát được virus cúm gia cầm trong mùa Hè.

 Mùa thu năm nay, dịch bệnh lây lan mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khi số trang trại bị ảnh hưởng cao hơn 35%. Trong thời gian từ ngày 2/9-10/12, ước tính có khoảng 400 đợt bùng phát dịch tại các trang trại ở 18 nước châu Âu. Số lần phát hiện virus cúm gia cầm ở các loài hoang dã là hơn 600 lần, được cho là nguyên nhân góp phần làm lây lan virus cúm gia cầm giữa các trang trại.  

 Giới chức y tế châu Âu đang nghiên cứu khả năng tiêm phòng để ngăn chặn đợt lây lan virus này. CDC châu Âu cho rằng nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm ở người thấp, nhưng đối với những người tiếp xúc trực tiếp với chim và các loài gia cầm, thì nguy cơ sẽ ở mức “thấp tới trung bình”./.

KG (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực