Trung Quốc không xả lũ thượng nguồn sông Hồng, giảm xả đập thủy điện Ma Lù Thàng
Chiều 11/9, Bộ Ngoại giao cho biết, trước thông tin về việc Trung Quốc chuẩn bị xả lũ đập thủy điện Ma Lù Thàng (thuộc Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thượng nguồn sông Lô), Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tỉnh Vân Nam.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN) |
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc, để hỗ trợ công tác phòng chống lũ lụt, cứu hộ cứu nạn ở hạ nguồn của Trung Quốc và Việt Nam, đập thủy điện Ma Lù Thàng đã không tiến hành xả đập. Tuy nhiên, vừa qua do xảy ra mưa lớn liên tục nhiều ngày, mực nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dâng rất cao, gây nguy cơ vỡ đập. Trong trường hợp vỡ đập sẽ gây tổn thất rất lớn cho các địa phương hai nước.
Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, Trung Quốc đã thông báo cho tỉnh Hà Giang về việc dự kiến xả đập Ma Lù Thàng vào lúc 15 giờ ngày 11/9/2024 đến 14 giờ ngày 12/9/2024 với khối lượng xả tối đa là 250m3/giây.
Sau các trao đổi của Việt Nam, cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ giảm khối lượng xả tối đa từ 250m3/giây thành 200m3/giây và lùi thời gian xả lũ thành 16 giờ 30 phút ngày 11/9/2024.
Phía Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương liên quan của Trung Quốc bảo đảm chỉ xả lũ ở mức nhỏ nhất với mục đích giữ an toàn cho đập nước.
Đối với thượng nguồn sông Nguyên/sông Hồng, phía Trung Quốc khẳng định tất cả các nhà máy thủy điện và đập nước của Trung Quốc không xả lũ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại cập nhật kịp thời, thường xuyên thông tin về tình hình lũ lụt tại các địa phương ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến các địa phương của Việt Nam; phối hợp trao đổi thường xuyên với sở tại nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu tối đa lượng nước thượng nguồn của Trung Quốc đổ xuống hạ nguồn các địa phương của Việt Nam, qua đó giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra tại lưu vực các con sông khu vực miền Bắc.
Lũ trên sông Hồng đạt đỉnh, người dân sống ngoài đê cần chú ý an toàn
|
Mực nước sông Hồng đang biến đổi chậm. (Ảnh: N. Dương) |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, mực nước sông Hồng, sông Đuống đang biến đổi chậm. Lúc 16h00/11/9/2024, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,22m (dưới báo động 3 là 0,28m); mực nước trên sông Đuống tại Thượng Cát là 10,56m (dưới báo động 3 là 0,44m).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cảnh báo lũ trên sông ở mức cao gây ngập lụt vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, vùng ven sông, sạt và xói lở đất bờ bãi ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì,Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…
Theo báo cáo của thành phố Hà Nội ngày 11/9, hầu hết quận, huyện của Hà Nội đều có khu vực bị úng ngập. Tại nội thành, do ảnh hưởng của nước sông dâng cao, nhiều khu dân cư ven sông của Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên chịu ảnh hưởng, hàng nghìn hộ dân phải sơ tán.
Một số khu vực tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… nước sông Hồng cũng dâng rất cao, ngập sâu vào nhà, xưởng gây mất an toàn cung cấp điện.
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ
|
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Philadelphia, Pennsylvania, tối 10/9/2024. (Ảnh: Reuters) |
Sáng 11/9 (giờ Việt Nam, tối 10/9 theo giờ Mỹ), cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (NCC) tại Philadelphia, Pennsylvania. Sự kiện này được xem là cơ hội để cựu Tổng thống Donald Trump tái định hình thế trận cuộc đua vào Nhà Trắng, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris có thể tận dụng để tiếp tục "hâm nóng" quãng thời gian ngọt ngào chính trị của mình sau nhiều tuần có màn bứt phá ấn tượng trong các cuộc thăm dò dư luận.
Cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên đã diễn ra gay cấn, xoay quanh nhiều chủ đề mang tính quốc gia đại sự như: Tình hình kinh tế, nhập cư, vấn đề nạo phá thai, cũng như chính sách đối ngoại liên quan đến các vấn đề an ninh nổi cộm như các cuộc xung đột Nga - Ukraine hay Hamas - Israel.
Vốn là diễn giả dày dạn kinh nghiệm và được đánh giá có thời lượng phát biểu dài hơn đối thủ, song trong màn tranh luận trực tiếp lần này, ông Trump có vẻ chưa thể hiện được nhiều yếu tố "dày dạn kinh nghiệm" đó. Thậm chí, trong phần đầu cuộc tranh luận, ông Trump dường như có phần bị đối thủ lấn át.
Về phần ứng cử viên Dân chủ, bà Harris tỏ ra điềm tĩnh, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động dồn ép, nhắm vào một số vấn đề được cho là điểm yếu trong chính sách của vị cựu Tổng thống, như đề cập đến quy mô của các cuộc vận động tranh cử của ông Trump cũng như liệt kê một số cựu quan chức từng làm việc trong chính quyền trước đây đã "quay xe". Khi bước lên sân khấu, bà chủ động đi đến bắt tay đối thủ và thường nhìn ông Trump khi phát biểu.
Mức độ ảnh hưởng của cuộc tranh luận này ra sao vẫn còn là dấu hỏi, vì thực tế bản thân nhiều cử tri dù chưa đi bỏ phiếu song đã có được sự lựa chọn cho riêng mình. Lịch sử đã chứng minh không phải người chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận đều chắc vé vào Nhà Trắng./.