Truy bắt đối tượng cướp ngân hàng ở Tiền Giang

Thứ hai, 25/09/2023 19:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Truy bắt đối tượng cướp ngân hàng ở Tiền Giang; Hà Nội ghi nhận 12.776 trường hợp sốt xuất huyết; Ngân hàng Nhà nước hút thêm 10.000 tỷ đồng phát hành tín phiếu; Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc kêu gọi hủy hiệp định quân sự liên Triều;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (25/9).

Truy bắt đối tượng cướp ngân hàng ở Tiền Giang

Thông tin từ Công an tỉnh Tiền Giang, vào khoảng 14 giờ ngày 25/9, một đối tượng điều khiển xe máy (không biển số) đến một ngân hàng có chi nhánh ở Trung An (Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).

Sau đó, đối tượng này đến trước quầy giao dịch của ngân hàng quăng cho nhân viên 1 chiếc ba lô và dùng vật có hình dạng giống súng tự chế uy hiếp nhân viên đưa tiền.

Thấy nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào ba lô ít, đối tượng tiếp tục để 1 gói (chưa rõ bên trong chứa gì) lên quầy giao dịch và tiếp tục uy hiếp nhân viên và bảo vệ của ngân hàng.

 Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc. Ảnh: Ngọc Phúc.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang nhanh chóng có mặt tại hiện trường, vận động, kêu gọi đối tượng bỏ vũ khí. Sau đó, đối tượng đi ra ngoài leo lên xe mô tô tẩu thoát. Tại hiện trường, chưa phát hiện ai bị thương, chưa kiểm đếm được số tiền đã bị cướp. Hiện, lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang đang tập trung truy bắt đối tượng.

Liên quan vụ việc, đại diện ngân hàng này cho biết, vụ việc không gây thiệt hại về người và tài sản của ngân hàng. Ngân hàng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, sớm truy bắt đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội ghi nhận 12.776 trường hợp sốt xuất huyết

Chiều ngày 25/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần (từ ngày 15 đến 22/9), trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 2.404 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (174 ca), Phú Xuyên (161 ca), Cầu Giấy (150 ca), Đan Phượng (145 ca), Hoàng Mai (141 ca), Đống Đa (138 ca), Thanh Oai (135 ca), Ba Đình (124 ca), Nam Từ Liêm (120 ca), Chương Mỹ (107 ca), Thanh Trì (101 ca), Thanh Xuân (100 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 95 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã; trong đó quận Bắc Từ Liêm có tới 14 ổ dịch; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 13 ổ dịch; Đống Đa có 11 ổ dịch… Đây là tuần ghi nhận số ổ dịch nhiều nhất từ đầu năm đến nay.

 Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thu Trang.

Như vậy, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 870 ổ dịch. Hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 327 bệnh nhân; xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 74 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai có 65 bệnh nhân…

Theo nhận định của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Trước tình hình này, CDC thành phố đã yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.

Trong những ngày tới, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được triển khai tại các ổ dịch trên địa bàn các quận, huyện: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Tây Hồ.

Ngân hàng Nhà nước hút thêm 10.000 tỷ đồng phát hành tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. (Ảnh: Vietnam+) 

Theo kết quả chào bán tín phiếu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong phiên ngày 25/9, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.

Kết quả có 4/13 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,49% - thấp hơn phiên trước 22/9 (0,5%) và phiên 21/9 (0,69%).

Trước đó, liên tiếp trong 2 phiên 21/9 và 22/9, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chào thầu thành công gần 20.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở, qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Như vậy, trong 3 phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 30.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Ngân hàng Nhà nước đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức thấp kỷ lục. Việc này được giới chuyên môn đánh giá là sẽ góp phần ổn định tỷ giá USD/VND vốn đang chịu áp lực lớn do sự trái ngược chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc kêu gọi hủy hiệp định quân sự liên Triều

Ngày 25/9, ông Shin Won-sik, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, đã kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều. Ông cho rằng đây là một thỏa thuận "sai lầm" đã làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội Hàn Quốc.

 Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng vật thể được Triều Tiên gọi là "vệ tinh không gian" từ làng Dongchang-ri, Triều Tiên (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong tuyên bố bằng văn bản gửi tới Ủy ban Quốc phòng Quốc hội trước phiên điều trần phê chuẩn việc bổ nhiệm dự kiến diễn ra vào ngày 27/9, ông Shin nói: "Thỏa thuận quân sự ngày 19/9 là một thỏa thuận sai lầm làm tăng tính dễ bị tổn thương của quân đội chúng ta. Vì có nhiều mặt dễ bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận quân sự ngày 19/9, chẳng hạn như sức mạnh chiến đấu và khả năng hoạt động của quân đội, nên tôi cho rằng thỏa thuận này phải bị hủy bỏ."

Thỏa thuận quân sự toàn diện liên Triều được ký kết năm 2018 khi Tổng thống Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng để hội đàm thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thỏa thuận được soạn thảo để giảm bớt căng thẳng quân sự, ngăn chặn các cuộc đụng độ vô tình và xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Tuy nhiên, sự hiệu quả của thỏa thuận này ngày càng bị nghi ngờ, trong bối cảnh Bình Nhưỡng gần đây liên tục thực hiện các hành động quân sự.

Trước đó, một quan chức thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc từng cho rằng việc duy trì hay hủy bỏ thỏa thuận giảm thiểu căng thẳng quân sự liên Triều ký năm 2018 sẽ phụ thuộc vào "thái độ" của Triều Tiên.

Theo quan chức trên, có khả năng chính quyền Seoul hủy bỏ Thỏa thuận Quân sự Toàn diện (CMA) được ký hồi tháng 9/2018 nếu Triều Tiên tiếp tục thực hiện các hành động vi phạm điều khoản thỏa thuận./.

PV (Tổng hợp).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực