Truy tố 2 cựu Bộ trưởng và các bị can trong vụ án Công ty Việt Á

Thứ bảy, 30/09/2023 20:49
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Truy tố 2 cựu Bộ trưởng và các bị can trong vụ án Công ty Việt Á; Hà Nội: Xác minh clip giáo viên kéo lê học sinh ở Trường THPT Đa Phúc; Khởi tố vụ tai nạn giao thông làm 9 người thương vong ở Đồng Nai; Hạ viện Mỹ bác bỏ dự luật giúp chính phủ duy trì hoạt động...là những thông tin đáng chú ý trong ngày 30/9.

Truy tố 2 cựu Bộ trưởng và các bị can trong vụ án Công ty Việt Á

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị can trong vụ án Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

 Truy tố hai cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (trái) và Nguyễn Thanh Long. (Nguồn: TTXVN)

Theo đó, cáo trạng truy tố 38 bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," "Tham ô tài sản," "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ." Trong số này, 6 người bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" là Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Nguyễn Thanh Long; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.

Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ." Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo, trợ lý tài chính và thủ quỹ của Công ty Việt Á, bị truy tố về tội "Đưa hối lộ." Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí."

Các bị can khác gồm nhiều Vụ trưởng, Vụ phó cấp Bộ; cán bộ Ủy ban Nhân dân hoặc Tỉnh ủy; lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố. Trong vụ án này, Phan Quốc Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. 

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. Ngay sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.

Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được nâng khống. Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số cán bộ liên quan trong vụ án.

Bên cạnh đó, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước. Sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á/công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra. 

Hà Nội: Xác minh clip giáo viên kéo lê học sinh ở Trường THPT Đa Phúc

Liên quan đến clip 1 giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo lê từ hành lang vào lớp học xảy ra tại Trường Trung học Phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), sáng 30/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đã nắm được sự việc và ngay lập tức chỉ đạo Hiệu trưởng nhà trường xác minh, làm rõ, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm nếu có vi phạm; khẩn trương báo cáo Sở trong ngày 2/10.

 Hình ảnh trong clip cô giáo lôi cổ áo, kéo lê học sinh gây xôn xao mạng xã hội. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Trước đó, tối 29/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip 1 giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo lê từ hành lang vào lớp học. Sự việc được cho là xảy ra tại Trường Trung học Phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trong đoạn clip, một nữ sinh nằm ở hành lang lớp học, khóc lớn, còn giáo viên thì có hành động túm cổ áo học sinh, kéo lê ngay tại cửa lớp học. Clip nhận được sự quan tâm, chia sẻ rầm rộ của cộng đồng mạng với nhiều bình luận phê phán hành động của cô giáo được cho là giáo viên chủ nhiệm lớp, đồng thời dạy môn Giáo dục công dân của nhà trường.

Sáng 30/9, ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đa Phúc, xác nhận clip đang lan truyền trên mạng về hành động “cô giáo kéo học sinh” đúng là xảy ra ở nhà trường vào ngày 29/9. Tuy nhiên, sự việc không như cộng đồng mạng xôn xao, không có chuyện cô giáo bạo hành học sinh. Ông Nguyễn Duy Hiền cho biết sự việc xảy ra vào khoảng 11h30 ngày 29/9. Ngay sau đó, nhà trường đã nắm bắt vụ việc và trao đổi với học sinh, giáo viên chủ nhiệm cũng như gia đình em. Qua trao đổi, cho thấy có nhiều thông tin trên mạng không đúng sự thật, không phản ánh đầy đủ bản chất của vấn đề.

Theo ông Hiền, bản chất sự việc không phải là “giáo viên bạo hành” hay đánh học sinh mà học sinh này nằm xuống đất xin lỗi cô giáo. Khi cô giáo yêu cầu học sinh đứng dậy nhưng em này không đứng. Hai học sinh khác đến kéo học sinh này dậy cũng không được. Cô giáo khi đó cũng nóng vội, 1 tay cầm điện thoại, 1 tay túm cổ áo học sinh kéo lên chứ không hề đánh. Tuy nhiên, theo ông Hiền, hành động túm cổ áo kéo lên của cô giáo là chưa đúng chuẩn mực.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đa Phúc cũng cho biết thêm, ngay khi nhận được thông tin, nhà trường đã liên hệ với cô giáo, chấn chỉnh về hành vi cư xử với học trò chưa chuẩn mực. Đồng thời, nhà trường cũng đã liên hệ với phụ huynh học sinh để xin lỗi. Sáng 30/9, nhà trường yêu cầu giáo viên và học sinh liên quan đến vụ việc tường trình làm rõ sự việc.

Khởi tố vụ tai nạn giao thông làm 9 người thương vong ở Đồng Nai

Chiều 30/9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Hoàng Văn Tính, tài xế xe khách giường nằm Thành Bưởi để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.”

 Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: TTXVN phát) 

Theo điều tra ban đầu, khoảng 2 giờ 30 phút ông Hoàng Văn Tính (sinh năm 1986, ngụ xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), điều khiển xe khách biển số 50F-004.83 của nhà xe Thành Bưởi chở theo 34 hành khách trên quốc lộ 20, hướng Đồng Nai đi Lâm Đồng. Khi đến Km48, đoạn thuộc ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, Hoàng Văn Tính chạy xe vượt bên trái xe tải biển số 60C-345.13 đi cùng chiều phía trước.

Trong lúc vượt, do không đảm bảo các điều kiện an toàn nên đầu xe giường nằm bên phải đâm vào phía sau bên trái của xe tải. Sau khi đâm vào xe tải, xe khách giường nằm lấn qua phần đường chiều ngược lại và đâm trực diện vào xe khách 16 chỗ biển số 86B-015.75 do anh N.V.C. (33 tuổi, ngụ Bình Thuận) điều khiển chở theo 8 hành khách. Cú tông mạnh khiến anh N.V.C và 3 người khác tử vong, 5 hành khách khác trên xe 16 chỗ bị thương nặng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng xuống hiện trường phối hợp Công an huyện Định Quán điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Liên quan đến vụ việc, ngày 30/9, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người thương vong.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lưu ý các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai xử lý, đánh giá toàn diện các nguyên nhân gây ra vụ tai nạn giao thông này. Theo ông Khuất Việt Hùng, thời điểm xảy ra tai nạn cả xe khách giường nằm và xe khách 16 chỗ đều chạy quá tốc độ. Riêng xe khách 16 chỗ từ thời điểm trước khi xảy ra tai nạn đã liên tục chạy quá tốc độ. Hiện, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh điều tra, làm rõ vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này.

Hạ viện Mỹ bác bỏ dự luật giúp chính phủ duy trì hoạt động

Kế hoạch cuối cùng của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy nhằm giúp chính phủ nước này tạm thời có ngân sách để duy trì hoạt động đã không vượt qua được chính "ải" Hạ viện trong ngày 29/9, khi vấp phải phản đối của các nghị sỹ đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn. Động thái này khiến khả năng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần, bắt đầu từ ngày 1/10, gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trong cuộc họp báo, sau phiên họp của Hạ viện
về dự luật chi tiêu của Chính phủ tại Washington DC., ngày 29/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Với 232 phiếu chống và 198 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ dự luật do Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đề xuất, theo đó cắt giảm chi tiêu và hạn chế người nhập cư nhằm gia hạn cấp ngân sách cho chính phủ thêm 30 ngày, giúp các cơ quan liên bang tránh được kịch bản phải đóng cửa khi bắt đầu tài khóa mới (từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024). Cơ hội dự luật về vấn đề này được Thượng viện thông qua cũng rất mong manh.

Động thái trên diễn ra chỉ 1 ngày trước thời hạn chót lưỡng viện Quốc hội Mỹ phải nhất trí được dự thảo ngân sách cho tài khóa 2024 vào 00h01 ngày 1/10 theo giờ địa phương (tức 11h01 theo giờ Việt Nam), khiến Chính phủ Mỹ tiến gần hơn tới khả năng phải đóng cửa, kéo theo nguy cơ hơn 4 triệu nhân viên liên bang không được trả lương và mọi hoạt động của chính phủ từ giám sát tài chính đến nghiên cứu khoa học bị cản trở.

Phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện McCarthy khẳng định cuộc bỏ phiếu vẫn chưa kết thúc và ông vẫn còn những ý tưởng khác. Dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành thêm các cuộc bỏ phiếu trong ngày 30/9.

Nhiều quan chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo hậu quả của việc chính phủ phải đóng cửa. Cụ thể, mọi hoạt động của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng, từ các khoản tín dụng cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ tới việc kiểm tra an toàn thực phẩm và an toàn lao động, đến các chương trình dành cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, việc chính phủ đóng cửa có nguy cơ kéo theo những chậm trễ trong việc tiến hành các đợt nâng cấp lớn cơ sở hạ tầng.

Thống kê cho thấy từ năm 1981 đến nay, Chính phủ Mỹ đã 14 lần phải đóng cửa, có lần chỉ kéo dài 1-2 ngày. Lần gần đây nhất và lâu nhất kéo dài 35 ngày dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump do bất đồng về vấn đề an ninh biên giới./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực