Vỡ đập dẫn nước thủy điện ở Gia Lai

Thứ tư, 11/10/2023 22:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Vỡ đập dẫn nước thủy điện ở Gia Lai; Một tháng xử lý 192 đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn; Mưa lớn gây ngập cục bộ nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế; IMF nâng dự báo lạm phát năm 2024…là những tin đáng chú ý trong nước và quốc tế trong ngày 11/10.

Vỡ đập dẫn nước thủy điện ở Gia Lai

Thủy điện Ia Glae 2 ở Gia Lai vừa bị vỡ đập dẫn nước, khiến hàng chục hecta hoa màu của người dân vùng hạ du bị cuốn trôi.

Ngày 10/10, thủy điện Ia Glae 2, tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông) bất ngờ xảy ra sự cố vỡ đập dẫn nước. Đoạn đập bị vỡ dài khoảng 10m, khiến nhiều hoa màu, cây trồng của người dân vùng hạ du bị cuốn trôi.

Hiện trường vụ vỡ đập dẫn nước thủy điện Ia Glae 2. Ảnh: CTV 

Ngay sau khi sự cố xảy ra, các ngành chức năng huyện Chư Prông đã khẩn cấp đưa người dân đến nơi an toàn.

Theo thống kê, thiệt hại về tài sản chủ yếu là hoa màu, cây trồng của 19 hộ dân thuộc 3 xã Ia Ga, Ia Pia và xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) với tổng diện tích hơn 23 hecta. Chủ đầu tư thông báo sẽ hỗ trợ người dân.

Trong chiều nay (11/10), Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Gia Lai xuống hiện trường để kiểm tra và bàn phương án xử lý sự cố. Công trình thủy điện Ia Glae 2 có tổng mức đầu tư trên 423 tỷ đồng, công trình do Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng, trụ sở tại phường Yên Thế, TP Pleiku thi công.

Thủy điện Ia Glae 2 có công suất thiết kế 12MW, thuộc công trình thủy điện cấp III, được xây dựng trên suối Ia Glae (thuộc xã Ia Ga và xã Ia Vê huyện Chư Prông) với diện tích đất sử dụng là 83,7ha, diện tích xây dựng công trình khoảng 76,7ha. Dự án được xây dựng từ quý II, năm 2020 và dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm tiến độ khoảng 2 năm.

Một tháng xử lý 192 đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn

Sau hơn 1 tháng trực tiếp kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại địa phương, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử lý hơn 5.000 tài xế. Trong đó, có 192 trường hợp là đảng viên, cán bộ, lực lượng vũ trang...

CSGT Hà Nội thành lập các tổ kiểm tra chéo địa bàn để phát hiện vi phạm. 

Chiều 11/10, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 30/8 - 5/10, 6 tổ công tác của Cục phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã kiểm tra tại 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các tổ này trực tiếp kiểm soát hơn 150.000 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn có 5.053 trường hợp, 44 tài xế không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT cũng ghi nhận 192 trường hợp người vi phạm là đảng viên, cán bộ đang công tác tại cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang... Những trường hợp này ngoài bị xử lý vi phạm hành chính, cơ quan CSGT sẽ gửi thông tin vi phạm về các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định.

Đại diện Cục CSGT thông tin thêm, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản, bàn giao cho công an địa phương khởi tố 3 vụ, 4 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép; 3 vụ chống người thi hành công vụ (tại Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng); 2 vụ với 2 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (tại Cao Bằng, Thái Nguyên).

Theo thống kê của Cục CSGT, trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 500.000 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Hiện nay, công an một số tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, gồm nhiều lực lượng như: CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy và công an cấp huyện, bố trí kiểm tra chéo, xử lý vi phạm với tinh thần “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”.

Đặc biệt, công an các tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương có những chỉ đạo kịp thời về không can thiệp vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn.

Mưa lớn gây ngập cục bộ nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế xuất hiện mưa lớn trong những ngày qua, khiến nhiều nơi ở địa phương này bị ngập cục bộ.

Ảnh hưởng của rãnh thấp qua phía Nam khu vực Trung Trung Bộ, kết hợp rìa Tây Nam không khí lạnh nên tại tỉnh TT-Huế xuất hiện mưa lớn trong những ngày qua, khiến nhiều nơi ngập cục bộ.

Mưa lớn liên tục trong 2 ngày qua khiến nhiều nơi ở TT-Huế bị ngập lụt. 

Tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, mưa lớn trong ngày 10 và sáng 11/10 khiến cho nhiều vùng thấp trũng trên địa bàn tỉnh xảy ra ngập úng, giao thông bị chia cắt, hơn 7.000 hộ dân ở huyện Phong Điền đang bị mất điện.

Tại thành phố Huế, trong sáng nay (11/10), mưa cường suất lớn vùng đồng bằng đã gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường nội đô. Các tuyến đường Phan Anh, Nguyễn Hữu Cảnh, khu An Cựu City, Đông Nam Thủy An, Xóm Gióng ngập 0,2-0,4m; đường gom tại tổ dân phố Thủy Phú, Minh Thanh, phường Hương Vinh ngập 0,15-0,25m.

Theo ông Nguyễn Đình Bách - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, mưa lớn diễn ra từ ngày 10/10 cũng khiến nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn bị ngập cục bộ.

Cụ thể, đường Tỉnh lộ 11B từ Phong Xuân đi Phong Mỹ đoạn cầu Khe Sậy nước chảy mạnh tràn qua đường, dài khoảng 150m, sâu 0,4m; đường từ thôn Xuân Lộc đi Cổ Xuân Quảng Lộc đoạn đồng làng ngập sâu 1m, chiều dài khoảng 1km;... Hiện tại, lực lượng chức năng đã tiến hành đặt biển cảnh báo và tham mưu đóng tuyến đường 71….

Tại huyện Quảng Điền, một số tuyến đường liên xã, thôn vùng trũng thấp cũng ghi nhận tình trạng ngập cục bộ như: Tỉnh lộ 4 đoạn tràn Thủ Lễ xã Quảng Phước ngập 0,6m; Tỉnh lộ 8 một số đoạn ngập 0,3m, giao thông đi lại khó khăn.

Tại thị xã Hương Thủy cũng có nhiều tuyến đường xảy ra ngập úng, bị sạt lở, địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công kịp thời khắc phục để đảm bảo lưu thông.

Một số tuyến đường của các phường Hương Chữ, Hương Toàn, Hương Văn của thị xã Hương Trà cũng bị nước lũ gây ngập từ 0,3-0,4m.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế, để ứng phó với đợt mưa lũ có khả năng kéo dài nhiều ngày, đơn vị này đã phát thông báo gửi các địa phương yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát phương án ứng phó với mưa lớn theo phương châm 4 tại chỗ; sơ tán dân ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.

IMF nâng dự báo lạm phát năm 2024

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố hôm qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo về mức tăng giá tiêu dùng trên toàn thế giới lên 5,8% trong năm tới, tăng từ mức 5,2% được đưa ra cách đây 3 tháng, theo Bloomberg.

Giá cả lương thực đang tăng ở nhiều nơi. 

Ở hầu hết các quốc gia, IMF dự đoán lạm phát sẽ duy trì trên mức các ngân hàng trung ương nhắm tới cho đến năm 2025. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhấn mạnh: "Chính sách tiền tệ cần được thắt chặt ở hầu hết các nơi cho đến khi lạm phát giảm một cách ổn định xuống mức nhắm tới".

Lời kêu gọi cảnh giác về lạm phát được đưa ra khi IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024, theo Bloomberg. IMF dự báo mức tăng trưởng toàn cầu cho năm tới là 2,9%, giảm 0,1% so với triển vọng được đưa ra vào tháng 7 và dưới mức trung bình 3,8% của hai thập niên trước đại dịch Covid-19. Dự báo của IMF cho năm 2023 không thay đổi ở mức 3%. Tuy triển vọng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp nhưng tương đối ổn định và IMF nhận thấy có khả năng cao hơn là các ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát mà không khiến thế giới rơi vào suy thoái, theo Bloomberg./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực