Xuất hiện nhiều ca bệnh nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” tại Quảng Ninh

Thứ hai, 12/08/2024 22:20
(ĐCSVN) - Xuất hiện nhiều ca bệnh nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” tại Quảng Ninh; Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ 4 Nhà máy điện gió tại Gia Lai; Nga gấp rút sơ tán người dân tại các khu vực Kursk và Belgorod;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (12/8).

Xuất hiện nhiều ca bệnh nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” tại Quảng Ninh

Ngày 12/8, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cho biết đang tiếp nhận điều trị cho 4 trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn "ăn thịt người" - Whitmore. Các bệnh nhân này biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến bán cấp tính gây tổn thương đa dạng nhiều cơ quan, làm suy yếu hệ miễn dịch như nhiễm khuẩn huyết, ápxe gan, ápxe cẳng chân, viêm màng não.

Đáng chú ý, những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nhiễm bệnh Whitmore có tổn thương nghiêm trọng, thời gian điều trị dài ngày.

 Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, thăm khám cho bệnh nhân nhiễm Whitmore. (Ảnh: Tr. Đức).

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bệnh Whitmore có biểu hiện về lâm sàng rất đa dạng, tổn thương rất nhiều cơ quan và bệnh diễn biến theo hướng bán cấp tính nên đôi khi thầm lặng, bệnh nhân diễn biến từ từ và khi nhập viện thì đã có những ổ ápxe rất sâu, trên nhiều cơ quan.

"Chúng tôi đã và đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị viêm phổi, viêm mô mềm, viêm xương đùi, viêm khớp háng, ápxe đa ổ, ápxe tại các cơ quan như cơ, gan, lách, thận, viêm màng não nhiễm khuẩn huyết. Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh", bác sĩ Phạm Công Đức thông tin thêm.

Các y, bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi…

Đặc biệt, khi bệnh nhân có các vết loét ở ngoài da, các triệu chứng như sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ 4 Nhà máy điện gió tại Gia Lai

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa phát đi công văn yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các nhà máy điện gió, điện mặt trời trên toàn quốc, trong đó có 4 nhà máy điện gió tại Gia Lai.

 Nhà máy điện gió Ia Le 1 thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 là một trong 4 nhà máy tại Gia Lai bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN
 
Theo Công văn số 2240/YC-ANDT-P3, Cơ quan An ninh điều tra đã yêu cầu EVN cung cấp hồ sơ, tài liệu của 32 nhà máy điện gió và điện mặt trời trên toàn quốc. Trong số này, có 4 nhà máy điện gió tại Gia Lai gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải (huyện Kông Chro), Nhà máy điện gió Cửu An (thị xã An Khê), Nhà máy điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pưh) và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông).
 
Động thái này nằm trong cuộc điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” diễn ra tại Bộ Công Thương và một số tỉnh, thành phố. Để phục vụ cho quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra yêu cầu EVN cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện; hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu và công nhận ngày vận hành thương mại. Bên cạnh đó, các hồ sơ kiểm định, kiểm tra định kỳ cũng như kiểm tra đột xuất hệ thống đo đếm điện năng, công suất lắp đặt thực tế tại các nhà máy điện cũng được yêu cầu cung cấp đầy đủ. 
 
Nga gấp rút sơ tán người dân tại các khu vực Kursk và Belgorod
 
Nga ngày 12/8 bắt đầu sơ tán người dân tại một số khu vực ở các vùng biên giới Kursk và Belgorod khi lực lượng Ukraine tăng cường hoạt động quân sự. Động thái này diễn ra sau khi Ukraine tiến hành cuộc đột kích lớn nhất vào lãnh thổ Nga hồi tuần trước, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc xung đột.
 
Trước đó hôm 7/8, Ukraine đã xâm nhập biên giới Nga, tiến vào các khu vực phía Tây của vùng Kursk. Cuộc tấn công bất ngờ này dường như là nỗ lực của Ukraine nhằm giành lợi thế trong các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn trong tương lai, đặc biệt khi cuộc bầu của Mỹ đang đến gần.
 Binh sĩ Ukraine tham gia cuộc đột kích lãnh thổ Nga. (Ảnh: Reuters).

Nga nhanh chóng điều quân tiếp viện ổn định mặt trận biên giới, tuy vậy Ukraine đã tiến tiến sâu khoảng 30km vào lãnh thổ Nga. Một số báo cáo cho biết, giao tranh vẫn tiếp diễn tại khu vực Kursk vào ngày 12/8.

Quyền thống đốc tỉnh Kursk của Nga, ông Alexei Smirnov, đã chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ sơ tán dân thường. Tại vùng Belgorod lân cận, thống đốc Vyacheslav Gladkov đã thông báo sơ tán người dân khỏi quân Krasnaya Yaruga “do các hoạt động của đối phương tại khu vự biên giới”.

“Chúng tôi đang bắt đầu di dời những người sống ở quân Krasnaya Yaruga đến những nơi an toàn hơn", ông Gladkov cho biết, đồng thời nhấn mạnh, quân đội Nga đang nỗ lực vô hiệu hóa mọi mối đe dọa.

Nga đã tăng cường các biện pháp an ninh tại các khu vực Kursk, Bryansk và Belgorod, trong khi Belarus, một đồng minh của Nga, đã tăng cường sự hiện diện của quân đội tại biên giới, với lý do máy bay không người lái của Ukraine vi phạm không phận nước này.

Theo giới phân tích, cuộc đột kích của Ukraine vào lãnh thổ Nga dường như nhằm mục đích chứng minh năng lực quân sự của Kiev với các đồng minh phương Tây, đồng thời tìm cách tạo ra một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn trong tương lai.

Mặc dù có lợi thế về quân số và kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine, các lực lượng Nga vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn đạt được bước tiến đáng kể trên mặt trận dài 1.000 km sau cuộc phản công năm 2023 của Ukraine./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực