Cần trừng trị nghiêm khắc kẻ bạo hành bé trai

Thứ bảy, 07/08/2021 20:20
(ĐCSVN) - Mạng xã hội và báo chí vừa lan truyền clip dài khoảng 4 phút cho thấy một người đàn ông có hành vi bạo lực tàn nhẫn với một bé trai (khoảng 5 tuổi) gây bức xúc dư luận, được xác định xảy ra tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Cháu bé trong tình trạng không mặc quần áo, bị một người đàn ông hành hung liên tục, và mặc dù liên tục van xin nhưng người này không hề dừng tay mà còn tiếp tục đấm đá, thậm chí còn nhấc bổng cháu lên cao và đập xuống đất.

Liên quan đến sự việc, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ngay khi biết xem thông tin, anh Bùi Hữu H. (bố của cháu bé) đã trực tiếp gọi tới Tổng đài 111 nhờ can thiệp. Được biết, bố cháu bé đang ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và do giãn cách nên chưa thể về Bình Dương gặp con ngay được.

Tổng đài 111 đã kết hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) xác định người đàn ông đánh đập dã man bé trai là Lê Hoài Nam (SN 1992, hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh, tạm trú tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn). Cháu bé bị đánh là B.N.P.A. (5 tuổi) con riêng của chị N.H.T. Nam khai nhận trong thời gian chung sống như vợ chồng với chị N.H.T từ năm 2020 đến nay thường xuyên đánh đập và chửi mắng bé A.

 Ảnh cắt từ clip về vụ hành hung cháu bé ở Bình Dương

Cục Trẻ em cũng đã có Công văn gửi Sở LĐ-TB&XH Bình Dương đề nghị thực hiện can thiệp hỗ trợ cho trẻ em bị bạo lực theo quy định của Nghị định 56/2017/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, báo cáo kết quả về Cục trước ngày 12/8.

Cảm thấy quá phẫn nộ với hành động nói trên và thực sự thương cháu bé vì con thứ hai của mình cũng tầm tuổi này, chị Lê Hoàng Oanh, 40 tuổi, trú tại phường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Dù cho không là con ruột, nếu cháu có phạm lỗi gì đi chăng nữa, thì cũng là trẻ con, cần phải được bảo vệ, chăm sóc và yêu thương. Quá tàn nhẫn. Người lớn sức khỏe thế kia mà lại đánh đập cháu. Tình hình dịch bệnh khó khăn như thế này, trẻ em thuộc đối tượng yếu thế phải được bảo vệ tối đa. Tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh và xử lý nghiêm kẻ vô nhân tính này”.

Đồng cảm với chị Oanh, anh Nguyễn Sỹ Đoan, 35 tuổi, nhân viên công ty bất động sản tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, cho biết không thể chấp nhận được hành vi nói trên. “Biết bao vụ việc tương tự đã bị đưa ra xét xử mà đối tượng Lê Hoài Nam không biết, không để ý hay vì một sự tư thù nào đó lại đánh con nít dã man như vậy. Rất may là bố cháu bé biết và kêu cứu kịp thời. Đối tượng cũng gần 30 tuổi rồi chứ có phải trẻ người non dạ gì đâu. Phải xử lý thật nghiêm, trả lại sự công bằng cho cháu bé”.

Trao đổi về sự việc này, Luật sư Nguyễn Việt Bách, Công ty Luật Intercode, thành phố Hà Nội nêu một số quan điểm.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thuận An đã tạm giữ hình sự đối tượng Nam để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng.

Sau khi sự việc xảy ra, Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương) đã vào cuộc và cho biết bé trai bị bạo hành đã ổn định, trên người có một vài vết bầm nhưng chưa đi khám ở cơ sở y tế. Hiện tại trong thời gian dịch bệnh và tình trạng không nghiêm trọng nên địa phương đã giao cho mẹ bé chăm sóc, đồng thời vận động các ngành, đoàn thể hỗ trợ thêm để ổn định tinh thần, tâm lý cho bé.

Chủ nhà nơi đối tượng Nam thuê trọ có trách nhiệm trình báo với cơ quan chức năng khi biết sự việc. Nếu biết mà không tố giác, đủ các yếu tố cấu thành thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự “Tội không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, chủ nhà trọ còn có trách nhiệm nâng cao ý thức đối với những người thuê trọ trong việc bảo vệ trẻ em. Tuy biết đây là điều khó khăn để thực hiện trên thực tế nhưng điều này là cần thiết để hướng tới việc loại bỏ bạo lực gia đình, bảo vệ cho những đối tượng yếu thế, đặc biệt là trẻ em.

Đặc biệt, trách nhiệm pháp lý của đối tượng Nam như thế nào? Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Đây là điều Hiến định nên cần xử lý nghiêm hành vi của Nam.

Theo khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Đối tượng Nam có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013, cụ thể ngoài bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, người có các hành vi nêu trên còn phải chịu mọi chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em.

Nếu cơ quan điều tra xác định đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, có thể truy cứu đối tượng Nam các tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam hoặc tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam.

Theo Luật sư Nguyễn Việt Bách, sở dĩ đề cập đến hai tội này vì mối quan hệ giữa đối tượng Nam và bé, được biết đối tượng đã nhận cháu là con nuôi và hiện đang sống chung như vợ chồng với mẹ bé. Đây là các yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội này./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực