Chính phủ đề nghị phân bổ 176.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 29/08/2022 17:30
(ĐCSVN) - Chính phủ đề nghị phân bổ 176.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều ngày 29/8, tại Nhà Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên họp bất thường tháng 8/2022 để xem xét 2 nội dung: Xem xét về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Xem xét về phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Đề nghị phân bổ 176.000 tỷ đồng vốn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (gọi tắt là Chương trình), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng số 176.000 tỷ đồng được Quốc hội cho phép phân bổ, số vốn Thủ tướng Chính phủ đã thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư cho 264 nhiệm vụ, dự án để hoàn thiện thủ tục đầu tư; số vốn còn lại chưa thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 3.432 tỷ đồng, trong đó có 2.500 tỷ đồng chưa đủ điều kiện và 932 tỷ đồng đã thông báo nhưng bộ, địa phương đề xuất trả lại, không đầu tư.

Trong tổng số vốn 172.568 tỷ đồng đã thông báo cho các bộ, địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư, đến nay đã có 94 nhiệm vụ, dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiệu bố trí kế hoạch vốn; 168 dự án đã được thông báo vốn từ Chương trình đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, do các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải được rà soát để bảo đảm tuân thủ các quy định về nguyên tắc, đối tượng, mục tiêu, cam kết cùng khả năng cân đối vốn của các địa phương, thực hiện các thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công nên đến nay sau hơn 7 tháng kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ mới tổng hợp được danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Để bảo đảm thống nhất về quản lý đầu tư công và sớm phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án để kịp triển khai, thực hiện, căn cứ Điều 60, Điều 67 và Điều 78 Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể:

Phân bổ 176.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình.

Cho phép điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm sang lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho 03 dự án thuộc ngành giao thông theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Cho ý kiến về 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn.

Đối với 169 dự án với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo UBTVQH cho ý kiến sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, làm cơ sở Thủ tướng Chính phủ quyết định phân bổ vốn.

Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị ban hành Nghị quyết của UBTVQH về việc phân bổ vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022.

Không đồng ý chuyển tiền phân bổ cho ngành y tế sang dự án giao thông

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chi tiết theo ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, việc điều chuyển để phân bổ từ lĩnh vực y tế và an sinh xã hội, lao động việc làm sang lĩnh vực giao thông vận tải là vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định của Nghị quyết 43. Uỷ ban kiến nghị không điều chỉnh số vốn 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm chưa được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ. 

Nêu quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, mục đích của việc ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 nhằm tăng bội chi, kỳ vọng nền kinh tế mỗi năm sẽ tăng thêm 1% GDP. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới tiến hành phân bổ vốn, như vậy hiệu quả, tác dụng của chính sách này sẽ khó đạt được mục tiêu, nhưng vẫn cần quyết tâm để triển khai càng nhanh càng tốt.

 Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về bố trí vốn đối với 94 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn việc bố trí vốn đối với 8 dự án nằm trong nhóm công nghệ thông tin và chuyển đổi số có bị ảnh hưởng, nếu áp dụng theo nguyên tắc quy định trong Nghị quyết 43/2022/QH15 về đảm bảo tính hài hòa vùng miền, lĩnh vực. Ngoài ra, khoảng 75% trong tổng số 94 nhiệm vụ, dự án này được triển khai trong năm 2022 và 2023, còn 25% dự án triển khai trong những năm tiếp theo, điều này đặt ra hiệu quả hấp thụ giải ngân của các công trình dự án trong 94 dự án thấp; đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình thêm.

Băn khoăn trước đề xuất của Chính phủ chuyển 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm do các bộ, cơ quan trung ương không đề xuất sang đầu tư 3 dự án thuộc ngành giao thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu thực tế nhu cầu vốn cho ngành y tế rất lớn, nhưng Chính phủ đề xuất chuyển vốn sang ngành 3 dự án giao thông, trong đó chỉ có một dự án cấp bách. Vì vậy, đề nghị ngành Y tế tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục nhiệm vụ, dự án, báo cáo Chính phủ, trình UBTVQH cho ý kiến trong thời gian tới.

Giải trình thêm tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, mức vốn tối đa đầu tư cho lĩnh vực y tế là 14.000 tỷ đồng, trong đó Nghị quyết nêu rõ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, gắn với phòng chống dịch Covid-19. Thời gian qua, Bộ Y tế đã có 10 văn bản gửi các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tình, thành phố, yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn rà soát đăng ký danh mục dự án. Kết quả có 272 dự án, với tổng vốn khoảng 59.000 tỷ đồng đăng ký nhưng qua rà soát của Bộ Y tế giảm xuống còn 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43/2022/QH15, với tổng vốn 13.198 tỷ đồng, thấp hơn dự kiến ban đầu 802 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, nhu cầu vốn đầu tư ngành y tế rất lớn, nhưng Bộ Y tế đã bám sát yêu cầu tại Nghị quyết 43 và thời hạn gửi báo cáo đề xuất danh mục nên nhiều dự án có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện về thủ tục, hồ sơ chưa được đưa vào danh mục đề xuất phân bổ vốn lần này...

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong đều nhận định chưa thấy sự cần thiết của việc Chính phủ kiến nghị chuyển 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm cho 3 dự án giao thông.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, ngành Y tế đang thiếu hụt về thiết bị, cơ sở vật chất; nhân lực ngành Y tế thời gian qua rời nhiệm sở, xin nghỉ việc rất nhiều. “Hàng loạt vấn đề đang đặt ra cho ngành Y tế, do đó cần rà soát tiếp đối với lĩnh vực y tế để bổ sung danh mục các dự án cần đầu tư”, ông Đặng Thuần Phong nói.

Sau khi nghe thảo luận, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, UBTVQH cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trên nguyên tắc đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị quyết 29/2021/QH15, bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa các lĩnh vực, các vùng miền, khả năng hấp thụ vốn.

Về danh mục, mức vốn cho từng nhiệm vụ, dự án cụ thể của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm chi tiết về từng danh mục dự án khi quyết định phân bổ theo thẩm quyền.

UBTVQH cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ đối với danh mục phân bổ vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với số vốn 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong đó, UBTVQH cơ bản nhất trí cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ phân bổ số vốn đối với 94 nhiệm vụ, dự án với số vốn dự kiến là 147.138 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của chương trình; đề nghị Chính phủ rà soát, tiếp thu, giải trình đối với một số dự án cụ thể đã được nêu tại Báo cáo thẩm tra và ý kiến thảo luận của UBTVQH; rà soát, cập nhật các trường hợp đã hoàn thiện thủ tục đầu tư để có thể phân bổ ngay trong đợt này.

Đối với 169 dự án, với số vốn dự kiến là 27.930 tỷ đồng chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, đang trong quá trình hoàn thiện, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15, sau khi các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng phân bổ vốn.

Đối với 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ án thuộc lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đề xuất của các bộ, ngành, các địa phương liên quan để bố trí nguồn vốn này...

Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực