Các đối tượng gồm Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh; Lê Thị Hồng Linh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thương mại vận tải Hùng Trang và Đinh Thị Nga, kế toán Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại vận tải xây dựng Phương Anh, cùng có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa.
|
Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Phương (Ảnh: Thái Thanh/Báo Thanh Hóa) |
Theo Chi cục Thuế khu vực thành phố Thanh Hóa - Đông Sơn (Thanh Hóa), hai doanh nghiệp trên do mẹ con bà Nguyễn Thị Phương và Lê Thị Hồng Linh điều hành đã có hành vi mua bán trái phép hóa đơn thuế GTGT nhưng không có hoạt động kinh doanh thực tế để kê khai báo cáo thuế, xuất hóa đơn GTGT với giá dao động từ 5-8% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trong hóa đơn. Điển hình, từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020, 2 công ty "ma" này mua bán hàng trăm tờ hóa đơn GTGT gây thất thoát tiền thuế cho Nhà nước tổng số tiền thể hiện trong hồ sơ lên tới gần 100 tỷ đồng.
Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm hai Công ty và các cá nhân liên quan có dấu hiệu của 2 nhóm tội danh là “Tội trốn thuế” được quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và “Tội mua bán, phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước” theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, với nhóm tội danh “Tội trốn thuế”: các đối tượng thực hiện hàng loạt hành vi bị cấm bởi Luật quản lý thuế như sử dụng hóa đơn của các sản phẩm hàng hóa này để lập cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác; sử dụng các hóa đơn không có hoặc không còn hiệu lực để bán hàng hóa/dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức khác; phát hành hóa đơn khống không có hàng hóa, dịch vụ đi kèm; sử dụng hóa đơn mua vào bất hợp pháp để giảm, khấu trừ số thuế phải nộp.
Những hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến chính sách quản lý của nhà nước trong lĩnh vực thuế, gây hậu quả rất nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế đất nước, làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước, cũng như gây cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cùng ngành.
Luật sư Thắng phân tích, các cá nhân thực hiện hành vi mua bán hóa đơn đỏ như không kê khai đầy đủ số tiền mua bán hàng hóa (xuất hóa đơn để trống nội dung), kê khai sai gian dối không đúng sự thật, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, không đăng ký kê khai thuế và nhiều thủ đoạn khác nhằm mục đích để nộp và để kê khai nộp mức thuế thấp hơn số thuế phải nộp, hoặc để được miễn thuế thậm chí để không phải nộp thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp.
|
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội |
Nếu có hành vi mua bán hóa đơn mà dẫn đến việc trốn thuế với số tiền nộp thuế từ 100-300 triệu đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội trốn thuế” theo quy định tại Khoản 1 Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng người trốn thuế đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án và chưa được xoá án tích về hành vi trốn thuế thì bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Phạm tội trốn thuế với số tiền nộp thuế từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1,5-4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Với nhóm tội danh “Tội mua bán, phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước”: Người phạm tội có hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng có sự sai lệch, làm giả, khai khống hóa đơn, khai sai về nội dung của hóa đơn giữa các liên của hóa đơn (về thông tin của các hàng hóa, dịch vụ kèm theo mà không có sự kiện mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thực tế).
Mặc dù nhận thức rõ hành vi mua bán trái phép hóa đơn là không đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn thực hiện để vụ lợi, đồng thời gây thất thu cho ngân sách nhà nước nên Công ty Phương Anh và Công ty Hùng Trang cùng các cá nhân liên quan thỏa mãn những dấu hiệu cơ bản của “Tội mua bán, phát hành trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước” theo Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tùy theo số tiền thu lợi bất chính, mức độ thiệt hại cho ngân sách nhà nước, số lượng ấn chỉ (hóa đơn) phát hành và tính chất của hành vi phạm tội mà Cơ quan điều tra làm rõ, các cá nhân có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng và mức phạt cao nhất đến 05 năm tù giam.
Pháp nhân là Công ty Phương Anh và Công ty Hùng Trang có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng, thu hồi đăng ký hoạt động vĩnh viễn, cấm hoạt động có thời hạn một số lĩnh vực, cấm huy động vốn…
Luật sư Thắng cũng cho rằng cần phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức thuế trực tiếp quản lý hai đơn vị này bởi những hành vi vi phạm kéo dài từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2020 mới bị phát hiện, kiến nghị xử lý là điều không bình thường.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ có hay không hành vi vi phạm pháp luật thuế của các doanh nghiệp phát hành hóa đơn đầu vào cho hai Công ty này, làm rõ động cơ của các doanh nghiệp, tổ chức mua hóa đơn từ hai Công ty này để đưa vào chi phí khấu trừ thuế./.