Ngày 16/9, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, đại diện các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tầng lớp phụ nữ đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh, sau hơn 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng, song cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, một số qui định chồng chéo với các văn bản luật khác; dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, thực hiện chưa nghiêm, còn có quy hoạch treo nhiều năm, gây lãng phí đất và bức xúc trong nhân dân; một số dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ dự án (trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm giữa năm 2021 có 350 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai).
|
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại Hội nghị. |
Cùng với đó, việc tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bào hài hòa lợi ích của người dân; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, ảnh hướng lớn đến quyền và lợi ích của phụ nữ và nhân dân. Hằng năm, số vụ án liên quan đến đất đai chiếm trên 70%, số đơn thư khiếu nại chiếm hơn 60%, có khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự, điểm nóng tại địa phương).
Liên quan đến các quy định đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể trong tiếp cận và sử dụng đất đai thực tiễn triển khai còn hạn chế như quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng thì hiện nay cả nước còn 12 triệu giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, cấp cho tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ đứng tên người chồng. Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, nhất là các trường hợp phân chia tài sản chung vợ chồng khi có vấn đề ly hôn…
Với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Hội phụ nữ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội triển khai kế hoạch lấy ý kiến các cán bộ, hội viên phụ nữ đối với dự thảo Luật.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, theo quy định Luật Đất đai 2013, đối với các giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất hoặc có chung quyền sử dụng đất của vợ và chồng nhưng giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chồng trong khi pháp luật không có cơ chế bắt buộc phải đổi giấy chứng nhận dẫn đến tình trạng nhiều giấy chứng nhận chưa được cấp đổi mang tên cả vợ và chồng. Tình trạng trên gây cản trở đối với quá trình nâng cao vị thế, vai trò, bình đẳng của phụ nữ cũng như quá trình thực hiện lồng ghép việc cấp đổi giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng của một số dự án.
|
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tầng lớp phụ nữ. |
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về những lợi ích của việc giấy chứng nhận mang tên cả vợ và chồng mà coi việc này phiền hà về thủ tục, khó khăn khi mọi giao dịch liên quan đều cần có cả hai hoặc không cũng phải có thủ tục ủy quyền mà chưa thấy việc làm trên đem lại cho người phụ nữ an toàn về mặt pháp lý.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất các ý kiến nhằm thể chế những điểm mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các luật khác có liên quan của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); các qui định liên quan đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.
Các ý kiến cũng đề cập tới trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp và quyền chủ thể của nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Đề xuất kiến nghị lồng ghép giới, bình đẳng giới trong dự thảo Luật, các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ với vai trò là người sử dụng đất.
Giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai nhằm tăng tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận, quản lý, sử dụng đất; các vấn đề về quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, định giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; các quy định bảo đảm hài hòa lợi ích, khắc phục việc lợi dụng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.../.