Giả dân quân chiếm đoạt tiền của dân sẽ bị xử lý thế nào?

Thứ sáu, 06/08/2021 11:58
(ĐCSVN) - Nhóm thanh niên mạo danh mặc quần áo dân quân tự vệ, ra đường tìm những người đi đường không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, vi phạm quy tắc phòng, chống dịch để chiếm đoạt tiền của dân có thể bị truy cứu hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an quận Hoàn Kiếm đang củng cố hồ sơ, xử lý nhóm đối tượng táo tợn giả danh lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch để cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng gồm: Nguyễn Đức Anh (SN: 2004, HKTT: Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội); Phạm Việt Đức (SN: 2004; HKTT: Đống Đa, Hà Nội); Nguyễn Đức Quân (SN: 2006, HKTT: Ba Đình, Hà Nội); Trần Minh Sang (SN: 2006, HKTT: Ba Đình, Hà Nội); Nguyễn Đắc Thắng (SN: 2004, HKTT: Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nguyễn Văn Tường Huy (SN: 2006, HKTT: Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

leftcenterrightdel
 Các đối tượng và tang vật tại cơ quan Công an. Ảnh nld.com.

Trong quá trình đấu tranh điều tra, Cơ quan Công an xác định, nhóm đối tượng đã bàn bạc thống nhất với nhau, sẽ mặc quần áo dân quân tự vệ, ra đường tìm người đi đường không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, vi phạm quy tắc phòng chống dịch; khi phát hiện người vi phạm sẽ yêu cầu dừng xe tiến hành kiểm tra và đe dọa người vi phạm về trụ sở phường để xử lý với mục đích làm cho người vi phạm sợ phải đưa ra một số tiền để được bỏ qua lỗi.

Các đối tượng khai nhận, đã chiếm đoạt số tiền hơn ba triệu đồng từ ngày 29/7 đến ngày 3/8/2021. Lực lượng chức năng đã thu giữ những tang vật gồm: 3 dùi cui gỗ màu đỏ, trắng; 1 gậy chỉ huy giao thông; 2 dùi cui điện; 3 bộ đàm; 1 súng bắn đạn nhựa.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư An Bình (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Có thể khẳng định hành vi của các đối tượng trên là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, xâm phạm đến hoạt động thi hành pháp luật của Nhà nước. tác động xấu đến an toàn chung của cộng đồng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu cấu thành của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy đinh tại khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội và thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Cụ thể: “1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”.

Với các đối tượng 15 tuổi: Căn cứ khoản 2 Điều 12 BLHS, các đối tượng 15 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dù thuộc trường hợp rất nghiêm trọng. Phụ thuộc vào các tình tiết giảm nhẹ của các cá nhân và mức độ nghiêm trọng của hành vi, các đối tượng có thể bị xem xét áp dụng các biện pháp sau: Hòa giải tại cộng đồng (căn cứ điểm b khoản 1 Điều 94 BLHS); Giáo dục tại xã phường, thị trấn (Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 95 BLHS); Giáo dục tại trường giáo dưỡng (căn cứ vào Điều 96 BLHS) hay Cải tạo không giam giữ (Căn cứ tại Điều 100 BLHS).

Với các đối tượng khoảng 17 tuổi (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), phụ thuộc vào các tình tiết giảm nhẹ của các cá nhân và mức độ nghiêm trọng của hành vi, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 174 BLHS với khung hình phạt từ 07-15 năm.

Vì các đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nên chỉ phải chịu ¾ mức phạt tù mà điều luật quy định (căn cứ vào khoản 1 Điều 101 BLHS). Bên cạnh đó, các đối tượng này còn được miễn các hình phạt bổ sung vì là người dưới 18 tuổi phạm tội (Căn cư tại khoản 6 Điều 91 BLHS 2015 SĐ BS 2017).

Nếu xảy ra thiệt hại, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải đền bù cho người bị lừa đảo theo quy định tại Điều 586, Bộ luật Dân sự 2015”.

Qua sự việc trên, luật sư Bình cảnh báo: Khi vi phạm xảy ra, người dân cần nghiêm túc chấp hành theo quy định xử phạt của pháp luật, không thực hiện các hành vi đút lót, hối lộ. Người dân nghiêm chỉnh chấp hành các Chỉ thị và Công điện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt tại các địa phương có diễn biến dịch bệnh đang căng thẳng.

Để phát hiện hành vi giả danh lực lượng chức năng, người dân cần lưu ý một số điều sau:

- Yêu cầu cung cấp họ tên đầy đủ, cấp bậc, chức vụ, độ tuổi, cho xem giấy tờ để chứng minh đúng là lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, lý do kiểm tra, thông báo lỗi vi phạm là gì; trang phục giống lực lượng chức năng có đồng bộ, đúng qui định? (Chú ý quan sát thái độ của họ).

- Phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đưa ra, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải là giả danh lực lượng chức năng hay không.

- Nhờ người quen hỏi trực tiếp đơn vị do đối tượng cung cấp, xác định đối tượng có công tác ở bộ phận đó hay không để đơn vị chủ quan thẩm tra xác minh. Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể nhờ người thân am hiểu pháp luật phân tích đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực