Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Thứ hai, 12/09/2022 16:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Nghị quyết này hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Nghị quyết quy định rõ hồ sơ trình Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân. Trong đó, đáng chú ý là việc quy định rõ Tờ trình Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân về dự kiến chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân gồm những nội dung chính: Tổng hợp ý kiến, đề nghị giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 58 và khoản 1 Điều 67 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Dự kiến nội dung chương trình giám sát; Sự cần thiết, đối tượng, phạm vi giám sát; Dự kiến cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp chuẩn bị nội dung giám sát; Biện pháp tổ chức thực hiện; Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

Nghị quyết cũng nêu rõ, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Nghị quyết về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân được thông qua, Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân, trừ hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 62 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

 Ảnh minh họa (Nguồn: hdnd.ninhthuan.gov.vn)

Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân được tích hợp trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân. 

Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát cần nêu rõ mục đích, yêu cầu; phân công các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện; tiến độ, công tác tổ chức, phối hợp thực hiện; trách nhiệm lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm. Trường hợp nội dung giám sát liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều cơ quan khác nhau thì kế hoạch nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

Tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn

Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn theo các tiêu chí sau đây để đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định:

Vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm.

Vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật.

Vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời.

Vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn để làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục.

Người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình./.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực