Tại cuộc họp báo quý I của Bộ Tư pháp, chiều 2/4, trả lời câu hỏi của báo chí về kết quả thu hồi tài sản trong vụ án liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Nguyễn Văn Sơn cho biết:
Vụ án của Trịnh Xuân Thanh, tổng số bồi thường là 122 tỉ, các bị cáo đã thi hành xong hơn 31 tỉ, còn 91 tỉ đồng phải thi hành.
Tại phiên toà phúc thẩm vào tháng 6/2018, liên quan đến sai phạm của bị cáo Đinh La Thăng được xác định trong vụ án PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Oceanbank, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên bị cáo Đinh La Thăng y án 18 năm tù, buộc phải bồi thường 600 tỉ đồng, nhưng đến nay mới thi hành án được khoảng 8 tỉ đồng.
Đại diện Vụ 2, Tổng cục Thi hành án Dân sự (THADS) thông tin thêm, vợ bị cáo Đinh La Thăng đã nộp số tiền 4,5 tỉ đồng, là số tiền xử lý căn nhà nói trên (tương đương một nửa giá trị căn nhà) để bồi thường thiệt hại cho bị cáo.
|
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).
(Ảnh: TL)
|
Theo ông Sơn, việc thi hành án dân sự trong các vụ án tham nhũng, chức vụ đều có khó khăn chung vì số tiền phải thi hành lớn, phải có tài sản, tiền mới thi hành án được.
“Khi xét xử và tổ chức thi hành án thì tài sản bị kê biên không nhiều, không xác minh được”, ông Sơn nói.
Trách nhiệm của cơ quan thi hành án là tiếp tục xác minh, truy tìm tài sản, gồm cả bất động sản, động sản, tài khoản… để trên cơ sở đó tổ chức thi hành, thu hồi lại tài sản.
Liên quan đến vụ việc công dân gây rối tại Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội sáng 23/3 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết Tổng cục đã nắm bắt toàn bộ nội dung sự việc và đang phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết.
Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội sau đó đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp. Qua xem xét thì đây là những “hành vi không đúng pháp luật, không đúng mực, xúc phạm đến cán bộ, công chức thi hành án dân sự Hà Nội".
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết, cũng đang có thông tin khác cho rằng có một nhóm người đã bị cán bộ thi hành án có ứng xử không đúng chuẩn mực.
Tổng cục Thi hành án Dân sự đã có 3 chỉ đạo rõ ràng, gồm: Yêu cầu Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội ổn định cơ quan, tiếp tục phối hợp với Công an TP Hà Nội xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đã chỉ đạo Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội phải rà soát toàn bộ việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân của đơn vị để báo cáo; yêu cầu nơi tổ chức thi hành án của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Bắc Từ Liêm báo cáo toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc, trên cơ sở đó đảm bảo thi hành án đúng quy định
Tại cuộc họp báo, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong 5 tháng, từ ngày 1/10/2020 đến 28/2/2021, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 178.437/401.574 việc có điều kiện thi hành án (đạt tỷ lệ 44,43%), tương ứng với số tiền khoảng 19.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,5%. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã trình Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trong quý II/2021, Bộ Tư pháp sẽ tập trung quán triệt, ban hành Chương trình hành động và tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII; tiếp tục triển khai thi hành tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành…/.