(ĐCSVN) - Trong 2 ngày 6 – 7/5, tại Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Văn phòng đại diện Viện Konrad - Adenauer (KAS) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế bảo hiến – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”.
|
Hội thảo khoa học “Cơ chế bảo hiến – Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. (Ảnh: TH) . |
Theo PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện Nhà nước và Pháp luật: Hiện nay, chúng ta đang tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính vì vậy, một cơ chế bảo hiến có hiệu lực hiệu quả sẽ góp phần đáp ứng mục tiêu trên. Cụ thể, mục đích của Nhà nước pháp quyền là bảo vệ các quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp, mà cơ chế bảo hiến chính là bảo đảm để quyền tự do của công dân không bị vi phạm từ phía các cơ quan nhà nước. Cơ chế bảo hiến đảm bảo tính tối thượng của Hiến pháp, cũng có nghĩa là đáp ứng được tinh thần của nhà nước pháp quyền là mọi chủ thể kể cả nhà nước đều phải chịu sự kiểm soát của Hiến pháp và pháp luật. Cơ chế bảo hiến còn có mục đích bảo đảm sự kiểm soát và cân bằng các nhánh quyền lực, tránh sự lạm quyền của các nhánh quyền lực này - một đòi hỏi quan trọng của nhà nước pháp quyền, đồng thời khắc phục những hạn chế khiếm khuyết khi chưa có một cơ chế bảo hiến chuyên trách.
Chia sẻ kinh nghiệm đến từ CHLB Đức, GS.TS Jorg Menzel, Trường Đại học Tổng hợp Bonn, CHLB Đức cho biết: Hiến pháp đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ thống pháp lý của Đức. Tất cả các văn bản pháp luật đều không được trái với Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp là cơ quan xem xét tính hợp hiến của hệ thống pháp luật của Đức.
Mỗi năm ở Đức có 6 ngàn vụ án đưa lên xét xử tại Tòa án Hiến pháp. Đây là con số khá lớn, nhưng tỷ lệ xét xử thành công chỉ 3%. Tuy nhiên, GS.TS Jorg Menzel cũng chỉ ra, dù con số không lớn nhưng điều này đóng vai trò rất quan trọng, trong một khảo sát được thực hiện thì người dân Đức luôn đánh giá cao uy tín của Tòa án Hiến pháp.
Trên thế giới cũng áp dụng nhiều cơ chế bảo hiến khác nhau. Ở Châu Á, nhiều nước đã áp dụng mô hình Tòa án Hiến pháp như: Hàn Quốc, Thái Lan…
Đề cập đến việc xây dựng cơ chế phán quyết Hiến pháp ở Việt Nam, GS.TSKH. Đào Trí Úc, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ủy viên Thường trực Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) cho rằng, điều cần bàn hiện nay là mô hình nào, hay phương án nào sẽ phù hợp vơi Việt Nam, hay nói đúng hơn, mô hình nào hay phương án nào cho một thiết chế trông coi một cách hiệu quả sự tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Khẳng định nhu cầu bảo hiến mang tính cấp thiết ở Việt Nam, GS.TS Thái Vĩnh Thắng (Đại học Luật) đưa quan điểm: Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, mô hình Tòa án Hiến pháp là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, GS. TS Thái Vĩnh Thắng cũng lưu ý, điều kiện cần thiết để Tòa án Hiến pháp hoạt động có hiệu quả là nó phải được hoàn toàn độc lập với các thiết chế khác. Tòa án Hiến pháp phải là cơ quan được Hiến pháp xác lập và trao cho thẩm quyền phán xét các luật và các hành vi vi hiến.
Tại Hội thảo, đa số các ý kiến cho rằng cần thiết phải thiết lập một cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam. Trên cơ sở nghe và thảo luận về cơ chế bảo hiến và kinh nghiệm quốc tế; cơ chế bảo hiến trong các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp; xây dựng cơ chế phán quyết Hiến pháp ở Việt Nam, các đại biểu đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc xây dựng mô hình cơ chế bảo hiến phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Những kiến nghị này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.