Theo thống kê, tính đến tháng 8 năm 2018, ở Trung ương, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ đã thành lập vụ/cục pháp chế; ở các cơ quan thuộc Chính phủ đã thành lập các phòng pháp chế; ở địa phương, cả nước có 112 phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổng số người làm công tác pháp chế là 8.556 người.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho thấy còn có 747/4.377 người làm công tác pháp chế ở trung ương (chiếm 17%) và 1.072/2.138 người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (chiếm 50,1%) chưa có trình độ cử nhân luật. Sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế vào quá trình xây dựng văn bản vẫn còn hạn chế. Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
(Ảnh: Quang Khánh)
Trong khi đó, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ người làm công tác pháp chế ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có trình độ cử nhân luật trở lên.
Thẩm tra báo cáo Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo rõ hơn về các giải pháp để khắc phục hạn chế cả về nguồn nhân lực làm công tác pháp chế cũng như về kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật.
Đánh giá cao vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng thẳng thắn nêu ra cá biệt có một số bộ, ngành thiếu quan tâm, uỷ quyền xuống cấp dưới, thậm chí có nơi còn ủy quyền chuyên viên, mang ý chí của chuyên viên làm công tác pháp luật, dẫn đến chất lượng không bảo đảm, hay “khoán trắng” cho bên cơ quan thẩm tra cho nên cần rút kinh nghiệm
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho hay, qua tiếp xúc với cán bộ pháp chế bộ, ngành, địa phương, họ cũng rất tâm tư, vì thu nhập chưa được đảm bảo.
Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cũng tỏ ra lo lắng vì trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế: Số lượng làm pháp chế ở Trung ương chưa có trình độ cử nhân luật lên tới 17%, các tỉnh tới 50,1%.
Trên cơ sở đó, đề nghị cần tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ này; đồng thời có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ để cán bộ pháp chế yên tâm làm việc.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, tăng cường vai trò và hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật…
Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành yêu cầu: “Chính phủ bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật”. |