Ngày 16/10, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học “Hiến pháp 2013 – 10 năm triển khai thi hành”.
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản về việc thi hành Hiến pháp; luận giải những quy định của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đánh giá những điểm mới cũng như những bất cập, hạn chế trong các quy định của Hiến pháp năm 2013... Từ đó, các đại biểu đã kiến nghị các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiến pháp năm 2013 được thông qua vào ngày 28/11/2013 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2014.
|
TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo |
So với các Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp có nhiều nội dung mới, tiến bộ, mang tính nhân văn sâu sắc, là kết tinh trí tuệ, là thành tựu lý luận, pháp lý của Đảng, Nhà nước ta sau gần 30 năm đổi mới. Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 với tư cách là đạo luật cơ bản, là xương sống của hệ thống pháp luật quốc gia, hệ thống pháp luật Việt Nam đã từng bước đổi mới và trên con con đường hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và từng bước hội nhập; đời sống kinh tế - chính trị, xã hội nước ta từ đó từng bước có sự phát triển mới.
Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định và làm rõ thêm những thành tựu lý luận của Đảng, Nhà nước sau hơn 30 năm đổi mới như: Nhà nước pháp quyền XHCN; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ XHCN; vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
TS. Lê Trường Sơn cho rằng: Kinh nghiệm lập pháp của nhân loại đã chỉ ra rằng, làm thế nào để một bản Hiến pháp chất lượng, thực sự là một bản khế ước giữa Nhà nước với người dân là một điều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức, thực hiện bản Hiến pháp đó trong thực tế cuộc sống như thế nào?
Thực tế cho thấy, 10 năm qua hệ thống chính trị đã có rất nhiều nỗ lực triển khai Hiến pháp năm 2013. Dù vậy, nhiều nội dung tiến bộ của Hiến pháp chưa được cụ thể hóa, hay có một số nội dung đã cụ thể hóa nhưng chưa đúng với tinh thần của Hiến pháp như: Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hoàn thiện, vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; cải cách tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước và thời kỳ hội nhập…
Đặc biệt, với nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, kiến tạo phát triển, liêm chính hành động, tạo đột phá trong cải cách hành chính và xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững” thì tổng kết Hiến pháp năm 2013 sau 10 năm triển khai càng cần thiết.
Những kết quả của Hội thảo sẽ được Ban tổ chức gửi đến các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương nhằm đóng góp cho công tác tổng kết 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 – TS Lê Trường Sơn cho hay.
|
Chủ trì hội thảo |
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản về việc thi hành Hiến pháp; luận giải những quy định của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đánh giá những điểm mới cũng như những bất cập, hạn chế trong các quy định của Hiến pháp năm 2013... Từ đó, các đại biểu kiến nghị các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013.
Với tham luận “Quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân” theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai thi hành, PGS.TS Trần Quang Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Thực tiễn triển khai thực hiện nguyên tắc “Nhà nước thuộc về nhân dân” sau 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 cho thấy: Pháp luật về bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân ngày càng hoàn thiện. Việc thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân bằng dân chủ trực tiếp đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, trên cơ sở, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời thể chế hóa thành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật nhằm phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật mới được ban hành, sửa đổi. Việc thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước đạt những kết quả nhất định…
Trong bối cảnh hiện nay Nhà nước đã và đang tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền làm chủ của Nhân dân. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong đó hàm chứa các nội dung về quyền con người, quyền công dân… tạo thêm bước tiến mới trong đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền tự do sản xuất, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Quyền làm chủ của Nhân dân tiếp tục được củng cố và có những bước tiến quan trọng, quyền dân chủ trực tiếp thông qua hoạt động bầu cử, ứng cử; trưng cầu ý dân, bãi miễn đại biểu dân cử; tham gia vào quản lý nhà nước. Quá trình soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi của toàn Nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992, 2013 đã thể hiện đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn…
|
Đại biểu tham luận tại hội thảo |
Tuy nhiên, PGS,TS. Trần Quang Hiển cũng cho rằng, việc thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, pháp luật về dân chủ trực tiếp còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất; trong thực hiện quyền bầu cử của người dân còn hạn chế…
Để hoàn thiện thể chế và thiết chế nhằm bảo đảm quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân; Nhân dân trao quyền cho Nhà nước không bị mất quyền; Phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” theo ông Hiển, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế, thiết chế dân chủ trực tiếp, thực hành dân chủ ở Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; thực hiện quan điểm “dân làm gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
Nói về quyền con người, GS,TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thành viên thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Hiến pháp 2013) cho rằng, sau Hiến pháp năm 2013 các đạo luật về quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong luật. Tuy nhiên hiện nay một số điều luật ở trên giao cho Chính phủ chi tiết hóa, cụ thể hóa để thi hành nhưng trong quá trình thực hiện việc cụ thể, chi tiết thì vấn đề này bị xem nhẹ. Vì vậy, Quốc hội cần phải thể hiện quyền giám sát, và nêu rõ phạm vi, nội dung quy định chi tiết cho Chính phủ và bộ...
Về vấn đề "Kiểm soát quyền lực Nhà nước" là một quá trình lâu dài, đến Hiến pháp năm 2013 vấn đề này được đưa trở thành một nguyên tắc. Muốn thực hiện tốt cần phải phân công và kiểm soát là hết sức quan trọng. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới thì vấn đề kiểm soát quyền lực được thực hiện đầy đủ. Trong đó nêu rõ cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước; thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp làm chỗ dựa để kiểm soát quyền lực Nhà nước. Đặc biệt trong điều kiện của nước ta một Đảng cầm quyền thì cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là cần thiết và quan trọng.
Tham luận về “Vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo Hiến pháp năm 2013”, Ths. Nguyễn Văn Trí – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước và TS. Dương Hồng Thị Phi Phi - Phó Trưởng bộ môn Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật Hành chính- Nhà nước (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hiến pháp năm 2013 đã lần đầu hiến định vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước. Theo đó, quyền lực Nhà nước, bên cạnh sự phân công, phối hợp, còn có sự kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từ việc phân tích quy định kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013, giới hạn việc kiểm soát quyền lực giữa Quốc hội (cơ quan thực hiện quyền lập pháp), Chính phủ (cơ quan thực hiện quyền hành pháp), Tòa án (cơ quan thực hiện quyền tư pháp) với nhau; Việc triển khai thi hành nội dung này trong quy định của pháp luật và trong thực tiễn.
|
Toàn cảnh hội thảo |
Các tác giả khẳng định, pháp luật nước ta đã ngày càng hoàn thiện hơn để góp phần triển khai có chất lượng và hiệu quả quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, đến nay, “quyền lực Nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được hoàn thiện…”. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, xem đó là mục tiêu trọng tâm khi tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Quá trình kiểm soát quyền lực không thể xem nhẹ vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước của từng nhánh để thiết kế mô hình kiểm soát phù hợp, bảo đảm sự dung hòa và không phá vỡ về nguyên tắc, về sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được Hiến pháp quy định.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng khẳng định, 37 năm kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tròn 10 năm tổ chức thực hiện Hiến pháp năm 2013, nhận thức lí luận về quyền con người, quyền cơ bản của công dân ở Việt Nam ngày càng thống nhất, đầy đủ và sâu sắc hơn. Từ những quyền được hiến định, hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện 1 bước cơ bản, vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật về quyền con người được chú trọng. Nhờ đó, cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân được phát huy đầy đủ, đem lại đời sống chính trị dân chủ, pháp quyền…
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và một số khuyến nghị hoàn thiện; Vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo Hiến pháp 2013; Hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát tối cao của Quốc hội; Quyền hành pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và việc triển khai thi hành; Đổi mới tổ chức và hoạt động thực hiện quyền tư pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Pháp luật về chính quyền địa phương sau 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.../.