Theo Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Ninh Bình, toàn địa phương hiện có 27 bến đò ngang, 44 đò chở khách ngang sông; 9 bến du lịch với 2.597 thuyền chở khách tham quan, du lịch trên sông; 15 cảng thủy nội địa, 30 bến hàng hóa; 7 cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy và 19 hộ với 64 nhân khẩu mặt nước.
Các phương tiện thủy hoạt động tập trung chủ yếu trên sông Đáy và hạ lưu sông Hoàng Long (đoạn qua địa bàn Ninh Bình) với mật độ khoảng 150 phương tiện lưu thông/ngày/đêm. Các phương tiện thủy chở hàng hóa trung chuyển qua lại từ các cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh duyên hải về các cảng nội địa trên địa bàn Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội...
|
Lực lượng CSGT đường thủy Ninh Bình tuyên truyền cho các chủ tàu về Luật giao thông đường thủy. (Ảnh: KC) |
Xác định là địa bàn có hoạt động giao thông đường thủy sôi động, dễ phát sinh phức tạp, thời gian qua, Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy (PC08) và các lực lượng chức năng liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, TTKS, nắm chắc tình hình an ninh – trật tự (ANTT), qua đó đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm luật giao thông và tệ nạn xã hội trên các tuyến đường thủy nội địa với các hành vi vi phạm chủ yếu như: Khai thác cát, sỏi trái phép; các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; vi phạm các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép tài nguyên, khoáng sản; các loại tội phạm về ma túy, đánh bạc, các hoạt động xã hội, vận tải hàng hóa, hành khách giao thông đường thủy.
Ông Nguyễn Đức Viết, chủ đò tại Bến phà Bốn Thước, xã Kim Tân, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cho biết: "Được tuyên truyền thường xuyên và trực tiếp tham gia các lớp tập huấn về Luật ATGT đường thủy do cơ quan chức năng tổ chức, chúng tôi đã nhận thức rõ được việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách đi đò là rất quan trọng, vì vậy ngoài sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bến bãi đã thực hiện đúng, đủ mọi quy định của Nhà nước về Luật ATGT đường thủy như trang bị đầy đủ phao, dụng cụ nổi cầm tay, thực hiện đúng quy trình đăng ký, thời gian đăng kiểm phương tiện, duy tu bảo dưỡng đò thường xuyên, người lái đò còn thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng tay nghề; học và cấp chứng chỉ chuyên môn về lái phương tiện thủy, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách...".
Còn ông Phạm Thế Nam, quê Nam Định, chủ tàu NĐ 2196 chuyên vận chuyển vật liệu xây dựng qua lại trên sông Đáy đoạn qua Ninh Bình cho biết: "Chúng tôi thường xuyên được các lực lượng chức năng đường thủy Ninh Bình tuần tra trên sông phát tờ rơi và phát loa phóng thanh tuyên truyền về việc tuân thủ Luật giao thông đường thủy nên luôn nắm rõ các quy định, từ đó chấp hành nghiêm pháp luật. Sự hiện diện của lực lượng chức năng còn góp phần đảm bảo ANTT trên sông nên người dân chúng tôi luôn cảm thấy yên tâm làm ăn...".
Được biết, hàng năm, Công an tỉnh Ninh Bình còn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh về tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT), ANTT trên các tuyến đường thủy trước, trong và sau mùa mưa lũ, các dịp lễ hội trên sông; phản ánh về công tác bảo đảm TTATGT, xử lý vi phạm, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa của các lực lượng chức năng địa phương.
Đồng thời, in, phát hàng nghìn tờ rơi, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT đường thủy cho các xóm vạn chài, doanh nghiệp hoạt động vận tải thủy, khu vực ven sông, bến đò, bến đò, bến phà, cầu phao và trên các phương tiện tham gia vận tải thủy...
|
Lực lượng CGGT đường thủy Ninh Bình kiểm tra hoạt động đò phà tại địa bàn huyện Kim Sơn. (Ảnh: KC) |
Lực lượng CSGT đường thủy phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành như: Sở Giao thông - Vận tải tỉnh, Sở Công thương, Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc, Cục Đăng kiểm, Thanh tra giao thông đường thủy số 4, Công ty CP Quản lý đường sông số 5, cùng chính quyền địa phương cơ sở thành lập các tổ công tác liên ngành tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan hoạt động đường thủy tại các cảng, bến thủy nội địa, cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi phương tiện thủy, các bến thuyền trở khách ngang sông… Tổ chức khảo sát trên các phao tiêu, biển báo hiệu, chướng ngại vật, điểm đen trên địa bàn quản lý, qua đó đề xuất cấp trên có biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo ATGT đường thủy nội địa.
Ngoài ra, các lực lượng chuyên trách địa phương còn triển khai hiệu quả các phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” và “Phòng chống đuối nước trẻ em”; xây dựng “Cụm giáp ranh an toàn” giao giữa 5 xã ven sông Đáy của huyện Yên Khánh và 5 xã huyện Nghĩa Hưng (Nam Định)... bước đầu đã mang lại hiệu quả công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trên tuyến sông Đáy; xây dựng các tổ tự quản “tàu thuyền an toàn"...
Thiếu tá Vũ Đức Toàn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh Ninh Bình) cho biết: Lực lượng CSGT đường thủy Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác, quản lý Nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh và đa dạng hóa nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật về luật giao thông đường thủy, ATGT cho các bến đò ngang, chủ đò chở khách và hoạt động của phương tiện đường thủy trên sông; tập trung lực lượng phương tiện, kết hợp sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra kiểm soát khép kín địa bàn, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và chở hàng quá tải trọng, tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT đường thủy Ninh Bình đã trực tiếp phát hiện, phối hợp xử lý 177 trường hợp vi phạm, phạt tiền 109.500.000 đồng. Trong đó, lỗi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước quy định 81 phương tiện; không có giấy chứng nhận chuyên môn thuyền trưởng hạng nhất 1 trường hợp; giao cho người có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn không phù hợp với loại phương tiện điều khiển 1; không hướng dẫn hành khách sử dụng dụng cụ cứu sinh 2; số phương tiện che khuất 3; máy trưởng không có mặt trên phương tiện theo quy định khi phương tiện đang hành trình 2; thuyền trưởng không bố trí thuyền viên coi phương tiện 2; người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện có nồng độ cồn chưa vượt 0,25mg/l khí thở 1.
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa phát sinh các vụ việc phức tạp liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, giao thông và tệ nạn khác trên các tuyến đường thủy../.