Sẽ ban hành Cẩm nang hướng dẫn, bảo vệ đội ngũ chấp hành viên

Thứ tư, 10/04/2024 21:28
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Tổng cục Thi hành án dân sự đang bắt đầu nghiên cứu xây dựng Cẩm nang hướng dẫn theo hướng sẽ rất chi tiết theo từng hành vi để không sai phạm, trên tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhất.

Sáng ngày 10/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) 6 tháng đầu năm 2024. Bên lề Hội nghị, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái đã có những chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những khó khăn, thách thức và các giải pháp thi hành án tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới; cũng như cơ chế bảo vệ đội ngũ chấp hành viên.

Nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt

 Phóng viên (PV): Xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật ngành thi hành án đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024?

Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Trong bối cảnh số việc, số tiền phải thi hành đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 8,69% về việc; 19,52% về tiền), thị trường bất động sản trầm lắng, tài sản thi hành án khó xử lý nhưng toàn Hệ thống THADS đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để duy trì tổ chức thi hành án đạt kết quả tương đương cùng kỳ năm 2023; một số địa phương rất nỗ lực, cố gắng để có kết quả cao về việc, về tiền; kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo vẫn đạt kết quả đáng khích lệ; kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng tăng cả về việc và về tiền. Các mặt công tác của Hệ thống THADS vẫn cơ bản được triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra.

Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: TH 

Cụ thể, 6 tháng đầu năm (1/10/2023 đến 31/3/2024), toàn hệ thống đã thi hành xong 242.304 việc, tăng 8.235 việc (tăng 3,52%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 52,39%; Về tiền, thi hành xong 47.595 tỷ 471 triệu 239 nghìn đồng; đạt tỉ lệ 20,27%

Kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thi hành xong 1.177 việc, tăng 277 việc (tăng 30,78%) so với cùng kỳ năm 2023; Về tiền thi hành xong 10.135 tỷ 233 triệu 099 nghìn đồng.

Đạt được kết quả như trên là do Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn Hệ thống THADS triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, sâu sát, kịp thời các mặt công tác, bên cạnh đó là sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng và sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương đối với công tác THADS.

PV: Trong bối cảnh số việc, số tiền phải thi hành đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, ngành thi hành án đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?

Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Đúng là so với cùng kỳ năm 2023 tăng cả về việc và tiền phải thi hành án. Số tăng này tạo ra áp lực rất lớn. Một là biên chế thì vẫn bị cắt giảm, trong khi đó việc tăng thêm. Từ số việc tăng thêm này thì mỗi người sẽ gánh thêm rất nhiều việc và tính chất các công việc rất là đa dạng, phức tạp.

Chúng tôi đã phân tích ra rất nhiều “nhóm” khác nhau, mỗi nhóm đều có những vấn đề phức tạp về cả cái tính chất pháp lý, kể cả một nguồn gốc tài sản…

Thứ hai, pháp luật thì cũng còn có những bất cập. Hiện nay, chúng tôi đã tính, đề nghị sửa thì cũng đã nhiều vấn đề được đưa vào sửa đổi nhưng có những nội dung sửa đổi cần có thời gian để có hiệu lực. Ví dụ như Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/1/2025  nên vẫn phải chờ, còn lại những lĩnh vực khác cũng đang trong quá trình sửa đổi như Luật đấu giá tài sản. Hay  liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án, chúng tôi đang tham mưu để sửa đổi dự kiến đề xuất sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật của năm 2025.

Đưa ra nhiều kịch bản để thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế

PV: Cụ thể, khó khăn nhất hiện nay trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế là gì, thưa ông? Về phía Tổng cục THADS đã đưa ra những “kịch bản” gì để đối phó với loại án phức tạp này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái: Thực tế khó khăn thì rất nhiều, bởi vì theo từng nhóm một. Chẳng hạn vừa rồi là vụ Alibaba, lượng tiền phải thi hành rất lớn nhưng tài sản nằm rải rác ở rất nhiều địa phương như: tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai. Có đến hàng trăm tài sản đòi hỏi thời gian xử lý rất lâu. Cùng với đó là  các giấy tờ, nguồn gốc tài sản với số lượng lớn  như vậy thì phải xác minh, rà soát kỹ lưỡng để không được xảy ra sai sót. Đây là áp lực rất lớn mà để tránh không sai phạm thì mất rất nhiều thời gian.

Tổng cục trưởng THADS Nguyễn Quang Thái trao đổi bên lề Hội nghị. Ảnh: TH 

Đối với vụ Vạn Thịnh Phát, đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Ngay từ đầu Ban Chỉ đạo đã lập các tổ, nhóm riêng để chuyên phối hợp nhận những tang vật, tài sản có liên quan, phân loại theo từng nhóm một và ngay từ đầu mình phối hợp như vậy thì sau này sẽ đỡ vất vả hơn.

Đây là giai đoạn trước mắt, còn tới đây, chúng tôi cũng sẽ đưa ra nhiều kịch bản. Kịch bản thứ nhất là theo từng nhóm một, ví dụ như đối với vụ việc dễ thì sẽ thực hiện theo một phương thức, còn những loại liên tỉnh, liên huyện thì phải thực hiện, chỉ đạo theo phương thức khác. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất hiện nay là có rất nhiều các đương sự, tài sản trong các vụ án cần thi hành, đòi hỏi khi thực hiện phải có sự phối hợp để tránh đương sự bị mất quyền, điều này cũng đồng nghĩa dẫn đến chấp hành viên vi phạm. Cho nên, chúng tôi cũng yêu cầu nhóm rà soát từng loại công việc, kể cả bố trí nơi đón nhận đương sự đến hàng nghìn người được chu đáo.

Chúng tôi cũng đề ra rất nhiều nhóm, nhóm thứ nhất là công tác chỉ đạo điều hành. Từ chỉ đạo điều hành, chúng tôi yêu cầu phân theo từng nhóm đối với từng địa bàn một. Như vậy, sự quan tâm bắt đầu từ cấp Trung ương đến địa phương. Những việc gắn với  khó khăn ở cấp nào, chúng tôi chỉ đạo gỡ ở cấp đó.

Nhóm thứ hai, đối với những vụ việc phức tạp, nhìn chung có “lối ra lớn”, chúng tôi tìm cách chỉ đạo. Hiện nay, lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo thường xuyên làm việc với các địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để đôn đốc, hỗ trợ, chỉ đạo. Còn vấn đề gắn với địa phương thì chúng tôi sẽ đề nghị các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo. Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ có thông tin kết quả từng địa bàn đến cấp ủy, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch UBND,Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án để nắm được tình hình công tác thi hành án trên địa bàn, theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ thi hành án để triển khai công tác tốt nhất.

PV: Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi số lượng tiền và việc tăng cao nhưng biên chế lại giảm, dễ đến đến tình trạng vi phạm về thời hạn, thời điểm thi hành án?. Trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Tổng cục đã có giải pháp nào để tháo gỡ vướng mắc trên, đồng thời bảo vệ đội ngũ chấp hành viên?

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái:  Quy định số 132-QĐ/TW là một chủ trương lớn của Đảng, Bộ Chính trị thì đã ban hành. Chúng tôi đã quán triệt rất nhiều, đây là khâu bắt buộc phải thực hiện.

Để tạo thuận lợi cho anh em trong quá trình thực hiện chúng tôi cũng đã nghiên cứu các giải pháp. Một là, Bộ Chính trị cũng đang có chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo vệ cho các chức danh tư pháp khi người ta tham gia quá trình hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nội dung này do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, chúng tôi đã tham gia ý kiến.

Thứ hai, đi vào nội dung cụ thể, chúng tôi có rất nhiều biện pháp để thực hiện. Một trong những nội dung được tính đến là ban hành Cẩm nang hướng dẫn để đội ngũ cán bộ thi hành án, chấp hành viên không vi phạm thì phải thế nào?. Bây giờ chúng tôi đang bắt đầu nghiên cứu nhưng đường hướng thì sẽ rất chi tiết theo từng hành vi, muốn không sai phạm thì tránh những gì, theo tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cần có cơ chế đặc thù bảo vệ đội ngũ chấp hành viên

Bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng THADS TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, nếu khối lượng thi hành về việc và tiền quá tải thì chắc chắn thời hạn, thời điểm sẽ bị vi phạm. Do đó, nếu căn cứ theo đúng quy định thì đội ngũ chấp hành viên sẽ rất áp lực và sẽ dẫn đến việc bị dao động về mặt tinh thần. Loại trừ yếu tố tiêu cực, trục lợi hay là đứng về các bên đương sự thì động cơ của họ hoàn toàn với mục tiêu công việc chung.

Với áp lực như vậy, cần có cơ chế đặc thù để bảo vệ đội ngũ chấp hành viên vì sẽ rất dễ xảy ra vi phạm do luật quy định rất cứng về thời hạn, thời hiệu. Ví dụ đối với Vụ Vạn Thịnh Phát, với lượng đương sự khoảng 36.000 người hay là khối lượng tài sản khoảng 1.600 bất động sản, hàng triệu cổ phần, cổ phiếu, nếu quy trách nhiệm theo đúng quy định về thời hạn, thời hiệu thì thật sự là áp lực rất lớn với đội ngũ lãnh đạo và chấp hành viên của TP. Hồ Chí Minh.

Vì vậy, để đưa bản án áp dụng vào thực tiễn cần xem xét, tính toán để người trực tiếp tổ chức thi hành án yên tâm, ổn định về mặt tâm lý, đồng thời tạo cơ chế linh hoạt để áp dụng thu hồi tối đa tài sản…/.

 

Vy Anh (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực