Tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra

Thứ ba, 07/11/2023 17:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 Xử lý nghiêm cán bộ, tổ chức thanh tra vi phạm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 7/11, chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) nhận định: Sau 1 năm, từ Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 4, với những giải pháp đưa ra thì ngành thanh tra đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng tăng lên. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2023 đã có 30 cán bộ bị kỷ luật, 28 trường hợp bị xử lý hình sự.

“Xin Tổng Thanh tra cho biết trách nhiệm và giải pháp quản lý cũng như bồi dưỡng đạo đức đối với cán bộ làm công tác thanh tra?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: QH.

Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận tình trạng cán bộ thanh tra có những sai phạm, vi phạm trong thời gian vừa qua.

Về trách nhiệm, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu, quan điểm của Thanh tra Chính phủ cũng như ngành Thanh tra sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước những cá nhân, tổ chức thanh tra vi phạm.

Với tinh thần phòng ngừa từ sớm, từ xa và tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, người đứng đầu ngành Thanh tra cho biết, thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thanh tra thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề cập đến giải pháp, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, chuẩn hóa quy trình, nghiệp vụ thanh tra nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra và góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra; chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, nhất là những quy định nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra mà Thanh tra Chính phủ đã ban hành trong một năm qua, như: cấm nhận tiền, quà, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra.

“Thanh tra Chính phủ rất mong các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước giám sát, phản ánh những hành vi vi phạm những điều cấm của các thành viên đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra tại các bộ, ngành và các địa phương để Thanh tra Chính phủ xử lý theo quy định”, Tổng Thanh tra nói.

Tư lệnh ngành Thanh tra cũng thông tin thêm, Thanh tra Chính phủ đã và đang chỉ đạo toàn ngành thanh tra triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy định 131 ngày 27/10/2023 của Ban Bí thư quy định về việc kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra

 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH.

Về ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) về việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành Thanh tra tổ chức thực hiện Luật Thanh tra năm 2022. Trong đó, tham mưu trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành và xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn để chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ thanh tra, nhằm nâng cao chất lượng thanh tra, góp phần phòng chống tham nhũng tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.

Tổng Thanh tra cho hay, trong hơn 1 năm qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết định để nâng cao và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra chấn chỉnh và xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ theo đúng ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị  26/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ ngày 20/10 nhằm kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định về giám sát nội bộ, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thẩm định. Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị theo chức năng, theo dõi, kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm đối với các trường hợp có vi phạm./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực