Trong năm 2022, ngành Thanh tra đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng và 574 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 59.344 tỷ đồng, 8.203 ha đất; ban hành 145.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.624 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 441 vụ, 295 đối tượng.
|
Tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như đất đai.
Ảnh minh họa. Nguồn: TL.
|
Cũng trong năm qua, ngành Thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 6.084 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 72,7% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra: đã thu hồi 3.440 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 52,0%), 32 ha đất; xử lý hành chính 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng; khởi tố 12 vụ, 22 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 583 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 70,1%).
Đáng chú ý, trong năm 2022, ngành Thanh tra đã tập trung triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Qua công tác thanh tra, nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát hiện. Cụ thể, tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 116 vụ việc với 153 người. Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 41 vụ, 22 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 50 vụ, 86 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 25 vụ, 45 người liên quan đến tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Trong thời gian tới, ngành thanh tra tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7.2023; triển khai kế hoạch thanh tra năm 2023 theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng”; tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo…/.