Ảnh minh họa. Nguồn: Mạnh Dũng
Trong đó, tiếp tục cân nhắc kỹ về tên gọi của Luật và kinh phí phục vụ hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia để trình Quốc hội thảo luận. Về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, nghiên cứu để thể hiện rõ mục tiêu thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân khỏi tác hại của rượu, bia thông qua việc quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có, tính có sẵn của rượu, bia; kinh phí được dự toán chung trong dự toán ngân sách hằng năm, không nên ưu tiên trích từ số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.
Về điều kiện kinh doanh rượu, bia, đề nghị Ban soạn thảo rà soát để quy định vấn đề này phù hợp với quy định của Luật Đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các văn bản pháp luật có liên quan.
Cần có quy định và lộ trình quản lý phù hợp để có thể kiểm soát tốt chất lượng, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với rượu thủ công. Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phòng, chống tác hại của rượu, bia; đặc biệt là cơ chế thực hiện, kiểm tra, quản lý, giám sát, xử lý vi phạm để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.
Rà soát lại các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật.
Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trong đó, rà soát và chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, đánh giá tác động nghiêm túc các chính sách mới của dự án Luật so với chính sách được nêu tại Đề xuất xây dựng dự án Luật; Báo cáo đánh giá tác động về thủ tục hành chính; Báo cáo tổng kết thi hành đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia; bổ sung dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban các vấn đề Xã hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế của pháp luật phòng, chống tác hại rượu, bia hiện hành./.