Trên 534.709 lượt CNVCLĐ thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Thứ năm, 20/05/2021 09:15
(ĐCSVN) - Diễn ra từ 00h00 ngày 3/5/2021 và kết thúc lúc 23h55 ngày 16/5/2021, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức là một hoạt động trọng tâm của công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).

Trong 2 tuần diễn ra, cuộc thi đã thu hút 534.709 lượt CNVCLĐ dự thi, thuộc 83/83 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương. Qua đó cho thấy sức hút của cuộc thi khá lớn, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp tìm hiểu, học tập pháp luật góp phần tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa các kiến thức pháp luật, thông điệp về bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam diễn ra tại địa chỉ https://phapluat.congdoanvietnam.org

Mặc dù triển khai trong thời gian ngắn lại đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 nhưng cuộc thi được các cấp Công đoàn tích cực hưởng ứng và khẩn trương thực hiện. Nhiều Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã có cách thức triển khai hiệu quả, thu hút nhiều đoàn viên, CNVCLĐ tham gia như: Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa (hơn 77 nghìn lượt người tham gia), Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An (hơn 38 nghìn lượt), Liên đoàn lao động tỉnh Lào Cai (hơn 35 nghìn lượt), Liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên (hơn 29 nghìn lượt), Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh (gần 27 nghìn lượt)...

Một số Liên đoàn lao động tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên như Yên Bái, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum… có số lượng đoàn viên, CNVCLĐ không lớn, điều kiện triển khai khó khăn nhưng đều có từ hơn 5 nghìn đến gần 8 nghìn lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia dự thi. 

Đặc biệt, một số Liên đoàn lao động huyện đã vận động với tỉ lệ đoàn viên, CNVCLĐ tham gia khá cao như LĐLĐ huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa); một số công đoàn cơ sở ở tỉnh Thừa Thiên Huế có 99% người lao động dự thi bằng điện thoại thông minh. 

Kết thúc cuộc thi đã có gần 39 nghìn CNVCLĐ đã trả lời đúng 13/13 câu hỏi trắc nghiệm. Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, ngành đã căn cứ thêm kết quả thi tự luận để quyết định trao giải thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của địa phương mình.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, những con số ấn tượng nêu trên là kết quả của tư duy đổi mới, đột phá trong hướng dẫn, chỉ đạo cuộc thi. Công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi cũng được chú trọng triển khai với nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận CNVCLĐ. Điều đó cũng phản ánh khả năng thuyết phục, vận động của những người làm công tác tuyên truyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ với “Ngày hội của toàn dân”.

Cá nhân đoạt giải tuần nhận giải thưởng của Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh

Tổng Liên đoàn đã xây dựng các thông điệp bằng hình ảnh, video hướng dẫn để tuyên truyền trên báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Cuộc thi ứng dụng trực tuyến với giao diện khoa học, dễ sử dụng, tích hợp với sử dụng các mạng xã hội phổ biến như facebook, zalo và hộp thư điện tử (gmail), nhất là việc xuất hiện “bản đồ” tên từng đơn vị cấp tỉnh, ngành với số lượng CNVCLĐ đăng ký và số lượt thi đã tạo khí thế thi đua, cạnh tranh giữa các địa phương, ngành và giữa từng người dự thi với nhau. Việc thống kê kết quả tự động đến công đoàn cấp trên cơ sở và danh sách đoàn viên, CNVCLĐ tham gia dự thi ở từng công đoàn cơ sở là sự công khai trong thi đua, cũng là căn cứ để đánh giá khách quan hiệu quả công tác triển khai thực hiện ở các cấp công đoàn. Các cấp công đoàn đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở, đồng thời giao chỉ tiêu cho các công đoàn cơ sở... nhờ vậy đã tạo được chuỗi hoạt động truyền thông về cuộc thi có hiệu ứng rất lớn, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chính là hoạt động thiết thực cụ thể hóa nhiệm vụ tuyên truyền chính trị - pháp luật, giúp cho đoàn viên, CNVCLĐ hình thành thói quen tự giác, quan tâm và chủ động tìm hiểu để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật. Hiệu ứng của cuộc thi cũng sẽ thúc đẩy hành động của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện tốt quyền công dân; tích cực, tự giác, chủ động tham gia bầu cử, góp phần cho thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2026. 

 

 

 

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực