Vi phạm các quy định về sử dụng điện bị phạt tới 100 triệu đồng

Thứ năm, 24/06/2021 09:38
(ĐCSVN) - Trộm cắp điện là hành vi lấy điện trái phép không qua công tơ, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện và các hành vi lấy điện gian lận khác.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp điện, thiết bị điện với thủ đoạn tinh vi. Đối tượng trộm cắp thiết bị điện đã dùng đồ nghề chuyên dùng để cắt và lấy đi hàng chục mét dây cáp điện tổng trạm biến áp, cắt cáp điện công tơ ba pha, cắt cáp điện lộ...Việc làm này còn gây ra hư hỏng cáp điện, tạo cháy nổ lớn tại các trạm biến áp. Đáng chú ý, kẻ trộm liều lĩnh đột nhập và lấy cắp thiết bị điện phục vụ các cơ quan nhà nước, gây mất an toàn, làm gián đoạn cung cấp điện.

Cuối tháng 3, tại thành phố Nha Trang, xảy ra hàng chục vụ trộm cắp vật tư, thiết bị điện tại các trạm biến áp, tủ điện hạ áp, gây hư hỏng hệ thống lưới đang vận hành và làm gián đoạn việc cung cấp điện trên địa bàn. Hầu hết các vụ mất cắp chủ yếu là mất dây dẫn bằng đồng nối đất làm việc của máy biến áp, dây đồng nối đất chống sét bảo vệ tại trạm hoặc dây trung tính trong tủ điện hạ áp.

Cũng trong tháng 6 vừa qua, Điện lực Dương Kinh (Hải Phòng) phối hợp với Công an quận đã kiểm tra, phát hiện hơn 40 tủ điện thuộc các dự án nhà ở Anh Dũng 7 (Trà Khê 1) và Anh Dũng 6 (Ninh Hải), phường Anh Dũng bị kẻ gian phá khóa trộm cắp các thanh đồng dẫn điện, gây thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng.

Ngoài ra, cũng xảy ra nhiều tình trạng trộm cắp điện dưới mọi hình thức. Đáng nói, không chỉ các cá nhân, gia đình gian lận điện trong sinh hoạt mà còn có tình trạng các tổ chức “trộm cắp” điện phục vụ vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Trước đó, Điện lực Kỳ Anh đã phát hiện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Tiến (xã Kỳ Tiến, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trộm cắp điện trước hệ thống đo đếm, phải bồi thường 3.234 kWh điện, tương đương gần 11 triệu đồng.

Được biết, thiết bị trên hệ thống lưới điện là tài sản của Nhà nước do Điện lực quản lý, vận hành. Việc trộm cắp các vật tư thiết bị ngành điện đang gia tăng, gây ra sự cố trong quá trình vận hành thiết bị điện, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và hình ảnh của ngành điện. Nhằm ngăn chặn thực trạng này, ngành điện cũng kêu gọi người dân chung tay ngăn chặn hành vi trộm cắp dây điện, phá hoại thiết bị điện. 

Khi phát hiện đối tượng trộm cắp vật tư, thiết bị lưới điện đang vận hành, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người dân trên địa bàn nhanh chóng bắt giữ hoặc thông báo ngay qua điện thoại cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, có các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự khu vực, bảo vệ tài sản Nhà nước.

Phạt tiền tới 100 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức.

(Ảnh ND)

Trao đối với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Các vụ xâm phạm, trộm cắp vật tư, thiết bị ngành điện làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh và sinh hoạt người dân trên địa bàn. Đồng thời, tình trạng vi phạm sử dụng điện không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây mất an toàn cho quá trình vận hành lưới điện mà còn có thể gây ra những vụ tai nạn về điện đe dọa đến tính mạng con người.

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, các hành vi vi phạm các quy định về sử dụng điện được quy định tại Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013. 

Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây); Phạt tiền lên đến 50 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh.

Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như, tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện vi phạm; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được và bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại đối với hành vi vi phạm.

Luật sư Anh Thơm còn cho biết: Mới đây Bộ Công Thương đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo nêu rõ phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:

Phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500 kWh đến dưới 11.000 kWh;

Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000 kWh đến dưới 13.500 kWh;

Phạt tiền từ 70-80 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500 kWh đến dưới 16.000 kWh;

Phạt tiền từ 80-90 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000 kWh đến dưới 18.000 kWh;

Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh.

Vi phạm các quy định về mua, bán buôn điện bị phạt tới 200 triệu đồng

Theo dự thảo, phạt tiền đơn vị điện lực từ 100-120 triệu đồng đối với hành vi mua, bán buôn điện mà hợp đồng mua, bán buôn điện không tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng mua, bán điện có thời hạn.

Phạt tiền đơn vị bán buôn điện từ 120-140 triệu đồng đối với hành vi mua, bán điện với đơn vị không có Giấy phép hoạt động điện lực.

Phạt tiền đơn vị bán buôn điện từ 140-200 triệu đồng đối với hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi xuất khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết, tại dự thảo Nghị định này, một số hành vi vi phạm hành chính của các đơn vị điện lực được rà soát, bổ sung; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực (vi phạm về Giấy phép hoạt động điện lực; phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán buôn, bán lẻ điện, thực hiện thị trường điện cạnh tranh, sử dụng điện, an toàn điện, v.v.), quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy điện và quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được nghiên cứu điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả của vi phạm hành chính, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực tương ứng./.

ND

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực