(ĐCSVN) - Bộ Y tế vừa có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các Bộ, ngành và các bệnh viện, các viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc tăng cường tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh.
Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh ngay trong 24 giờ đầu tiên sau khi bé chào đời là tốt nhất (nguồn ảnh: baotuyenquang.com.vn) |
Nội dung công văn nêu rõ: Hiện nay, theo số liệu báo cáo của các Sở Y tế và số liệu điều tra của Bộ Y tế, tỉ lệ mắc bệnh viêm gan B trong nhân dân còn cao.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo: Để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B (HBV) và phòng ung thư gan thì một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là tiêm phòng vắc xin viêm gan B ngay cho trẻ sơ sinh và tốt nhất là tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, vì đây là thời điểm vàng để phòng bệnh.
Cụ thể, mũi tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh có khả năng phòng được 85 - 90% các trường hợp lây truyền HBV từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 - 57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
Trường hợp người mẹ không mắc viêm gan B, trẻ vẫn cần phải được tiêm vắc xin vì trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh.
Theo Bộ Y tế, từ nhiều năm qua, các cơ sở khám chữa bệnh có phòng sinh (phòng đẻ) đã thực hiện việc tiêm vắc xin cho trẻ tương đối tốt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đạt thấp hơn trước. Nhiều địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B rất thấp.
Số liệu từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh năm 2014 ở nước ta chỉ đạt 55,4%. Các cơ sở y tế ở tuyến huyện đạt tỉ lệ cao hơn tuyến tỉnh và Trung ương. Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ này càng thấp do các bậc phụ huynh lo ngại về chất lượng vắc xin.
Để thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ mắc viêm gan B và ung thư gan trong nhân dân, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế các bộ, ngành tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc có phòng sinh chuẩn bị tốt và làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế các bộ, ngành phải tổ chức việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh.
Đồng thời đảm bảo cung ứng, vận chuyển, bảo quản vắc xin theo đúng quy định và thực hành tốt an toàn tiêm chủng; tư vấn tốt cho sản phụ trước và sau sinh để đạt được tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cao.
Viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên thế giới, gây ra bệnh viêm gan cấp tính, mạn tính và gây tử vong khoảng 1,5 triệu người mỗi năm, chủ yếu do bệnh viêm gan virus B và C.
Nhiều người mắc bệnh viêm gan B mạn tính thường không có triệu chứng gì và vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, một số người bị tổn thương gan do bệnh viêm gan B, đặc biệt là nếu họ đã mắc bệnh trong nhiều năm hoặc hàng chục năm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan cao.
Viêm gan B mạn tính và viêm gan C mạn tính là hai nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
HBV lây truyền từ người này sang người khác qua 3 con đường: Từ mẹ sang con - cách lây này thường xảy ra nhiều ở các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng; lây truyền qua đường máu: Người bị lây nhiễm HBV qua đường máu có thể xảy ra trong những trường hợp như truyền máu, các chế phẩm qua máu, chạy thận nhân tạo dài ngày, phẫu thuật, tiêm chích ma tuý... Thứ 3 là lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên, tỉ lệ số người bị lây truyền theo con đường này không cao./.