Cần tiếp tục đầu tư cho chăm sóc sức khỏe sinh sản

Thứ tư, 25/11/2015 23:50

(ĐCSVN) - Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia tiêu biểu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Tuy nhiên, còn khá nhiều khó khăn để chúng ta tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được.

Tử vong mẹ - tử vong sơ sinh giảm mạnh

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), sau 5 năm thực hiện Dự án Chăm sóc sức khỏe sinh sản (2011-2015), chúng ta đã đạt được một số thành tựu đáng mừng (theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê năm 2009 và năm 2014). Cụ thể, tỷ suất tử vong trẻ em (TVTE) dưới 1 tuổi năm 2009 là 16‰, đến năm 2014 giảm xuống còn 14,9‰. Như vậy, chúng ta đã đạt tiến độ đề ra và có thể đạt được mục tiêu giảm xuống còn 14,8 ‰ vào năm 2015.

Về tỷ suất tử vong mẹ (TVM), năm 2009, tỷ số này là 69/100.000 trẻ đẻ sống. Mục tiêu thiên niên kỷ mà ta cam kết là giảm tỷ suất TVM xuống còn 58,3/100.000 trẻ đẻ sống. Tuy không có số liệu về TVM các năm 2009 - 2014 nhưng qua công tác thẩm định TVM cho thấy tỷ suất đã có xu hướng giảm đáng kể. Ước tính tỷ suất TVM năm 2014 sẽ là 60/100.000 trẻ đẻ sống, đạt tiến độ đề ra. Như vậy, qua 5 năm thực hiện Dự án Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, TVM đã gần tiệm cận với mục tiêu đề ra.

Có thể nói, so với giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ giảm tử vong bà mẹ - trẻ em có xu hướng chậm lại rõ rệt. Tuy nhiên, tốc độ giảm tỷ suất TVTE dưới 5 tuổi không đạt được tiến độ (năm 2014 là 22,4 ‰ trẻ đẻ sống, không có khả năng đạt mục tiêu 19,3‰ năm 2015).

Vẫn còn những hạn chế

Mặc dù tỷ suất TVM và tử vong trẻ em đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn giữa các vùng, miền. Tỷ suất TVM khu vực nông thôn cao gấp 3 lần khu vực thành thị. Tỷ suất TVTE khu vực nông thôn cao gấp 2 lần so với thành thị. Tử vong sơ sinh ở nông thôn miền núi cao gấp 2 lần so với nông thôn đồng bằng, ở dân tộc ít người cao hơn gấp 2 lần so với người Kinh. Chỉ số TVTE dưới 5 tuổi đặc biệt cao tại các khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (33,9 ‰ ), Tây Nguyên (39,5 ‰ ). Bên cạnh đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 800 bà mẹ chết do các nguyên nhân liên quan đến thai sản. TVM ở Việt Nam cao cấp 2 lần Trung Quốc và Malaysia, gấp trên 10 lần Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các chỉ số về phòng ngừa và điều trị vô sinh, CSSKSS vị thành niên, giảm phá thai và phá thai an toàn, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, CSSKSS cho nhóm đặc thù như dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có HIV, người di cư và một số dân tộc có nguy cơ suy thoái… còn thiếu số liệu đánh giá và chưa được đầu tư thỏa đáng.

Theo Ths.BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, sau một thời gian làm tốt công tác dự phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng và một số nguyên nhân đơn giản khác, TVM, TVTE đã giảm đến mức khá thấp và sẽ có xu hướng giảm chậm lại. Để tiếp tục giảm, cần có những can thiệp đặc hiệu, có chuyên môn sâu nhằm khắc phục những nguyên nhân chủ yếu hiện nay như: sơ sinh nhẹ cân, non tháng, sơ sinh bệnh lý…

Thứ hai, do nhận thức của lãnh đạo các cấp về việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cải thiện sức khỏe bà mẹ và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em chưa thật sự đồng đều. Nhiều chỉ tiêu chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em trong những năm qua tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi nguồn viện trợ quốc tế ngày một giảm. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, để đạt được MDG4&MDG5, mỗi phụ nữ VN cần khoảng 4USD/phụ nữ có thai (khoảng 6 triệu USD). Tuy nhiên, mỗi năm ngân sách Trung ương chỉ phân bổ cho nội dung này 44-45 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 4-5 tỷ đồng/năm. Do nguồn lực còn hạn chế nên các can thiệp cũng chỉ tập trung vào mục tiêu giảm TVM, TVTE, còn các mục tiêu khác của Dự án như phòng ngừa và điều trị vô sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, giảm phá thai và phá thai an toàn ... chưa được đầu tư thỏa đáng.

Mặc dù chủ yếu đầu tư cho việc giảm TVM-TVTE, nhưng vì ngân sách hạn hẹp, Bộ Y tế cũng chưa thể nhân rộng được các can thiệp hiệu quả nhằm tiếp tục giảm TVM và TVTE. Ví dụ, hiện nay trên cả nước có khoảng 6.000 thôn bản vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ đẻ tại nhà cao và cần có cô đỡ thôn bản, tuy nhiên, hiện mới chỉ có 1.545 cô đỡ thôn bản đã được đào tạo đang hoạt động. Hay như việc thực hiện các kỹ thuật mổ đẻ và truyền máu tại các vùng khó khăn là đặc biệt quan trọng để cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh, tuy nhiên, trong số 225 huyện khó khăn về địa lý thì hiện mới chỉ có 151 bệnh viện có hai dịch vụ này, đạt 67%. Đặc biệt, trong số 62 huyện nghèo, chỉ có 39 bệnh viện thực hiện được mổ đẻ và truyền máu. Và mặc dù có tới 305 bệnh viện đa khoa huyện có lồng ấp sơ sinh (51,3%) nhưng chỉ có 160 bệnh viện có nuôi trẻ sơ sinh bằng lồng ấp (26,9%). Như vậy, có tới gần 50% bệnh viện đa khoa có lồng ấp nhưng không sử dụng với lý do chính là cán bộ chưa được đào tạo kỹ năng sử dụng lồng ấp để nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng.

Cũng do hạn hẹp về kinh phí nên công tác truyền thông chưa có chiều sâu đến từng hộ gia đình, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa

Để giải quyết các hạn chế trên, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đang đề xuất tiến hành Dự án Chăm sóc sức khỏe sinh sản (thuộc Chương trình MTQG về y tế giai đoạn 2016-2020). Các mục tiêu cụ thể của Dự án gồm: tăng cường sự tiếp cận của người dân và cải thiện chất lượng dịch vụ CSSK trẻ em, giảm tỷ suất TVTE dưới 5 tuổi xuống còn 16‰ , dưới 1 tuổi còn 11‰, giảm 30% hiệu số chênh lệch giữa đồng bằng về tỷ suất TVTE.

Bên cạnh đó, tăng cường tiếp cận của người dân và cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỷ suất TVM xuống còn 52/100.000 sơ sinh sống trên toàn quốc, đồng thời giảm 20% hiệu số chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng về tỷ số TVM.  

 

Rất ít bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại như Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng.
                                                      Ảnh: TH


Ngoài ra, tiếp tục giảm mạnh tình trạng phá thai và cơ bản loại trừ tình trạng phá thai không an toàn. Tỷ số phá thai dưới 25‰ sơ sinh sống. Đồng thời, cải thiện SKSS cho các nhóm vị thành niên và thanh niên. Giảm 20% tỷ lệ nữ mang thai ở độ tuổi vị thành niên so với hiện tại. Đặc biệt, cải thiện tình trạng SKSS cho các dân tộc có nguy cơ suy thoái, phấn đấu đến năm 2020, 80% phụ nữ có thai của 9 dân tộc có nguy cơ suy thoái được khám thai và chăm sóc trong và sau sinh bởi cán bộ y tế đã qua đào tạo, giảm 50% tỷ suất TVM và TVSS.

ThS. BS Đinh Anh Tuấn cho biết: Để duy trì các thành quả của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe BM - TE, đồng thời hoàn thành các mục tiêu chưa đạt được và tiến tới hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế đang xây dựng, công tác CSSKSS cần tiếp tục được đầu tư để thực hiện các can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả trong việc TVM và trẻ em. Tuy nhiên, nếu không được đầu tư ngân sách thỏa đáng và có những giải pháp can thiệp hiệu quả thì rất khó có thể đạt được các mục tiêu của Dự án.

Như vậy, để thực hiện thành công được các mục tiêu của Chiến lược Dân số và CSSKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời duy trì thành quả đã đạt được của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong giai đoạn tới 2016 - 2020, cần tiếp tục duy trì sự đầu tư của Chính phủ cho công tác CSSKSS thông qua Dự án Mục tiêu quốc gia về CSSKSS. Nếu được triển khai, Dự án sẽ thực hiện các can thiệp hiệu quả, toàn diện tới các nội dung của công tác CSSKSS, phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần đảm bảo công bằng xã hội thông qua giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực