Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn gặp nhiều thách thức

Thứ tư, 21/10/2015 09:20

(ĐCSVN) - Trong năm 2014, công tác CSSKSS cả nước đạt được nhiều thành tựu . Song bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều thách thức đặt ra.

Trong năm 2014, trong lĩnh vực CSSKSS, ngành Y tế đã tiếp tục triển khai các Đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số thông qua 4 trung tâm khu vực và các bệnh viện: Đề án chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật, bệnh bẩm sinh; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đến nay đã giảm còn 112,2 bé trai/100 bé gái; Đề án can thiệp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh thalassemia tại cộng đồng; Mô hình can thiệp làm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Mô hình nâng cao chất lượng dân số của dân tộc ít người; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi; Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển…

  

 Số lượng cô đỡ thôn bản còn thiếu so với nhu cầu

Thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, ngành cũng đã phân phối, cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai theo đúng nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành; tiếp tục thực hiện đẩy mạnh và tăng cường tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai. Kết quả năm 2014, đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao về số bà mẹ được sàng lọc trước sinh, số trẻ sơ sinh được sàng lọc, số mới sử dụng các biện pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai, cấy thuốc tránh thai, dùng viên uống tránh thai và sử dụng bao cao su.

Trong năm 2014, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả như chuẩn hóa quy trình chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh thiết yếu theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, nâng cao năng lực cấp cứu sản khoa cho cán bộ y tế, triển khai mổ đẻ, truyền máu và hồi sức sơ sinh tại các bệnh viện huyện miền núi, đào tạo cô đỡ thôn, bản cho vùng đặc biệt khó khăn, đào tạo cán bộ y tế đạt chuẩn người đỡ đẻ có kỹ năng. Đặc biệt, đã xây dựng được Hướng dẫn đào tạo và công nhận người đỡ đẻ có kỹ năng, ban hành tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN tổ chức tại Việt Nam năm 2014 và được toàn bộ các quốc gia trong cộng đồng ASEAN triển khai áp dụng. Các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được cải thiện so với năm 2013 và đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 đề ra: tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý thai là 96,4%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ≥ 3 lần trong 3 thời kỳ là 89,6%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được tiêm 2 mũi vắc xin phòng uốn ván là 95,7%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ được đào tạo hỗ trợ là 97,5%; tỷ lệ bà mẹ/trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh là 89,9%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng/tuổi là 15,0.

Thành tựu giảm suy dinh dưỡng trẻ em nhanh và bền vững của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đảm bảo tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong 9 quốc gia đạt tiến độ giảm tử vong mẹ, và một trong 23 quốc gia đạt tiến độ về giảm tử vong trẻ em.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác CSSKSS cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế cho biết, do tập tục lạc hậu cùng với những khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, năm 2014, trong số 1,2 triệu phụ nữ sinh đẻ có khoảng 50.000 bà mẹ không đến sinh tại các cơ sở y tế, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền núi các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Ở những vùng này, do phong tục lạc hậu, các bà mẹ thường sinh con tại nhà và không có người đỡ; số lượng cô đỡ thôn bản được đào tạo đang hoạt động còn rất thấp so với nhu cầu...

Cùng với chăm sóc trước và trong khi sinh, chăm sóc sau sinh là chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện và xử lý các tai biến ở bà mẹ và sơ sinh, góp phần giảm tử vong... Theo thống kê của Ban thẩm định tử vong mẹ các tỉnh, trong 9 tháng năm 2014 cả nước có 148 ca tử vong mẹ, trong đó cao nhất là trung du và miền núi phía Bắc với 72 ca (chiếm 27,3%), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 68 ca (chiếm 25,8%). Ngoài ra, theo kết quả điều tra biến động dân số, tỷ suất tử vong trẻ em (TVTE) dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tương ứng đã giảm xuống còn 15,3/1.000 và 23,1/1.000 trẻ đẻ sống. Căn cứ vào số liệu thì Việt Nam còn nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu về giảm TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi nếu không được đầu tư tương xứng và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cũng như các can thiệp chuyên môn đặc thù.

Cũng theo bà Hồng, tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên trên toàn quốc trong năm qua vẫn không giảm so với năm trước và tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ và phụ nữ mang thai còn cao. Như vậy, nếu không có các can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì mỗi năm nước ta có khoảng 1.400 trẻ em có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ. Vấn đề này vẫn được quan tâm, đầu tư thỏa đáng trong những năm tới, vì dự phòng lây truyền mẹ con mang lại hiệu quả không chỉ về y học mà còn mang tính nhân văn cao cả.

Trong năm 2015, để đạt các mục tiêu đề ra trong công tác CSSKSS, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông – giáo dục sức khỏe, chú trọng vào truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản, tuyên truyền viên của các đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số các vùng khó khăn.

Đồng thời, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, bao gồm cả y tế ngành, y tế tư nhân về dự phòng, phát hiện và xử lý cấp cứu sản khoa và sơ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyển tuyến cấp cứu sản khoa và sơ sinh, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện dự phòng, phát hiện và xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh ở tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt quy chế phối hợp giữa các chuyên ngành sản, nhi và hồi sức cấp cứu ở từng cơ sở y tế có đỡ đẻ, bao gồm cả các cơ sở y tế ngành, y tế tư nhân. Cũng như, tiếp tục triển khai các can thiệp có hiệu quả trong việc giảm tử vong bà mẹ, tử vong sơ sinh...

Xây dựng kế hoạch, có các giải pháp cụ thể để giảm nhanh và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, tỷ suất chết mẹ liên quan đến thai sản tại các khu vực miền núi, Tây Nguyên. Tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về những nội dung mới trong công tác dân số, đặc biệt cho nhóm đối tượng đặc thù; cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cao cho đối tượng có nhu cầu.Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện việc vi phạm về tuyên truyền phổ biến các phương pháp tạo giới tính thai nhi và siêu âm chọn giới tính khi sinh, kiểm tra chuyên đề đảm bảo hậu cần và cung cấp dich vụ KHHGĐ, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

Tăng cường các hoạt động, các mô hình để nâng cao sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, duy trì thành quả Việt Nam tiếp tục là một trong các điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ đối với 3 mục tiêu 1, 4 và 5, đặc biệt chú trọng vào 3 chỉ tiêu: (1) Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, (2) Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và (3) Tỷ lệ tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống nhằm đạt mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực