Thanh Hóa: Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Đơn nguyên sơ sinh

Thứ tư, 18/11/2015 18:18

(ĐCSVN) - Đơn nguyên sơ sinh (ĐNSS) là một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các cơ sở y tế. Mô hình này đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh; qua đó, tạo thêm cầu nối giữa tuyến cơ sở và tuyến cao hơn trong việc phát hiện và điều trị liên tục các trường hợp tai biến sơ sinh.

Với ý nghĩa nhân văn đó, sự ra đời của các ĐNSS đem lại niềm tin cho các bà mẹ không may sinh trẻ nhẹ cân, non tháng hoặc mắc một số bệnh lý sơ sinh như viêm phổi, vàng da, xuất huyết não... Đây là khoa, phòng chăm sóc đặc biệt với các trang thiết bị y tế có liên quan đến các bước chăm sóc sơ sinh thiết yếu ngay sau đẻ và trong giai đoạn sơ sinh như máy thở, lồng ấp, máy truyền dịch, máy hút, đèn chiếu vàng da... Thanh Hoá là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công mô hình ĐNSS và nhân rộng tại 19/27 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, trong đó bước đầu triển khai thí điểm tại 2 huyện Như Thanh và Ngọc Lặc - hai địa phương miền núi có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao.


Tại Bệnh viện đa khoa huyện Như Thanh, từ khi triển khai mô hình ĐNSS đến nay, bình quân mỗi năm đã cấp cứu và điều trị thành công cho khoảng 150 trường hợp trẻ bị bệnh vàng da, viêm phổi, suy hô hấp, ngạt khi đẻ..., trong đó, những trẻ sinh thiếu tháng và chỉ nặng 1.300g cũng được bệnh viện cứu sống. Một trong những trường hợp may mắn được cứu sống tại ĐNSS của bệnh viện là bé Bùi Thị Anh, thôn Bái Đa 1, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh. Mẹ cháu là chị Trương Thị Bích, 31 tuổi, mang thai tới tuần thứ 32 thì có dấu hiệu chuyển dạ. Chị Bích được đưa tới Trạm Y tế xã trong tình trạng vỡ ối, có dấu hiệu bất thường nên phải chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa huyện Như Thanh. Tại đây, chị sinh bé được 1.800gr, bị suy hô hấp phải cấp cứu ngay. Rất may, bé Anh đã được các bác sĩ kịp thời điều trị bằng phương pháp nuôi tĩnh mạch trong 2 ngày, đến ngày thứ 3 bé bắt đầu tập bú mẹ như những trẻ khác.

Đánh giá về sự khác biệt trước và sau khi có ĐNSS, bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Mạnh Huân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Như Thanh cho biết: Trước đây, công tác chăm sóc trẻ sơ sinh của Bệnh viện còn nhiều hạn chế do thiếu trang thiết bị; y, bác sĩ lại không được đào tạo, tập huấn nên khi có những trường hợp sơ sinh bệnh lý, họ không đủ tự tin để điều trị. Vì thế, hầu hết các trường hợp sơ sinh bệnh lý đều phải chuyển tuyến ngay, trong khi việc chuyển tuyến luôn gây ra những nguy cơ rủi ro về tính mạng. Sau khi triển khai ĐNSS, y, bác sĩ của Bệnh viện được đào tạo sâu về chăm sóc sơ sinh, kết hợp sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ nên phần lớn trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, bệnh lý đã được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện, hạn chế số trẻ phải chuyển tuyến; nếu có trường hợp nặng phải chuyển tuyến cũng được bảo đảm an toàn, không để xảy ra tử vong.

Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Ths. BS Bùi Thị Loan, Trưởng khoa Nhi cho biết: Từ khi thành lập ĐNSS tại khoa Nhi của bệnh viện, Quỹ Cứu trợ Nhi đồng (Mỹ) đã hỗ trợ cung cấp một số trang thiết bị thiết yếu như: máy thở CPAP, đèn chiếu vàng da, lồng ấp, giường sưởi ấm…, giúp điều trị cho các bệnh nhi tại 11 huyện miền núi trong khu vực. Mặt mạnh của ĐNSS là điều trị các trường hợp trẻ đẻ non, thiếu cân, nhiễm khuẩn sơ sinh, vàng da… mà hầu như trước đây phải chuyển tuyến mới cứu chữa được. Nói về những trường hợp đã từng được điều trị tại ĐNSS của khoa Nhi, bác sĩ Loan cho biết, có cháu sinh ra khi người mẹ mang thai mới chỉ 28 tuần tuổi và nặng 1.200gr. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp quá non tháng hoặc quá nhẹ cân, ngoài khả năng xử lý tại tuyến huyện thì các cháu cũng được hồi sức kịp thời và chuyển tuyến theo đúng chuyên môn, tránh được tử vong không đáng có. Cũng có trường hợp như bé nhà chị Nguyễn Thị Kết, ở xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) mới được 2 tháng tuổi đã bị viêm phổi nặng, gia đình điều trị ở nhà mãi không khỏi nên mang con đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc điều trị. Vào viện, cháu trong tình trạng thở ngáp cá, nhưng được các bác sĩ cấp cứu, bóp bóng, đặt nội khí quản và cho thở máy. Chỉ sau 15 ngày điều trị tích cực thở máy, được sự quan tâm chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện cùng các trang, thiết bị y tế hiện đại, cháu đã bình phục trở lại và đến nay phát triển bình thường như những trẻ khác. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 713 bệnh nhi được điều trị tại đây do đẻ non, vàng da, suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh…; trong đó có 2 trường hợp sinh nhẹ cân (dưới 1kg) nhưng đã chuyển tuyến theo nguyện vọng của gia đình.

   

Nhờ có các ĐNSS, rất nhiều trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân
đã được cứu sống. Trong ảnh: BS Bùi Thị Loan chăm sóc các bé tại ĐNSS
của Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc. (Ảnh: T.H)
 

Bên cạnh những kết quả đạt được, bác sĩ Loan chia sẻ thêm: Do vị trí của đơn nguyên nằm ở cuối hành lang khoa Nhi, các bé chủ yếu được người nhà chăm sóc dẫn tới có nhiều người qua lại, do vậy điều kiện vô trùng tại đây còn những hạn chế nhất định. Ngoài ra, do đặc thù bệnh nhân điều trị tại đây hầu hết là người dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết hạn chế, cộng thêm hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khi con em họ được phát hiện và điều trị tại ĐNSS, được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ chi phí điều trị nhưng thường sau một thời gian ngắn, gia đình có nguyện vọng đưa cháu về do không đủ chi phí sinh hoạt trong suốt quá trình điều trị tại viện. Đa số những trường hợp này đều tử vong một thời gian ngắn sau khi về nhà, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm tăng tỉ lệ tử vong sơ sinh trên địa bàn.

Đến năm 2011, việc triển khai thí điểm ĐNSS ở hai địa phương nói trên kết thúc nhưng đến nay, mô hình này vẫn tiếp tục được duy trì và hoạt động hiệu quả. Trong thời gian thí điểm, 2 ĐNSS này đã chăm sóc cho 1.579 trẻ sơ sinh (tính từ tháng 10/2008 đến cuối tháng 3/2011); trong đó điều trị thành công 85% số sơ sinh bệnh lý, cứu sống gần 2.000 ca sơ sinh, trong đó có những ca sinh ba, trọng lượng mỗi bé khoảng 1.100gr. Tiếp nối những thành công ban đầu, ngành Y tế của tỉnh đã tiếp tục nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác trên địa bàn; cùng với đó, đã thành lập Quỹ chăm sóc sơ sinh với mục đích tiếp tục kêu gọi các tổ chức quan tâm, ủng hộ nhiều hơn cho công tác chăm sóc sơ sinh của tỉnh.

Nói về những kết quả đạt được, Ths.BS Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã thành lập được 19/27 ĐNSS tại bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, năm 2014 thành lập được 3 ĐNSS mới tại bệnh viện đa khoa các huyện Quan Sơn, Thường Xuân, Vĩnh Lộc. Năm 2015, từ nguồn Quỹ chăm sóc sơ sinh tỉnh và Dự án EU tiếp tục thành lập thêm 4 ĐNSS tại Bệnh viện đa khoa Nga Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Để hoạt động của những ĐNSS này đạt hiệu quả cao hơn, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được đầu tư đồng bộ các trang thiết bị y tế; bổ sung đủ nguồn nhân lực bác sỹ chuyên khoa cho các bệnh viện đa khoa tuyến dưới, các trung tâm y tế huyện, nhà hộ sinh xã, phường, thị trấn… Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2016, ĐNSS sẽ bao phủ 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thị xã, thành phố, góp phần đáng kể trong việc giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh trên địa bàn.

Đặc biệt, ông Trương cũng cho biết thêm, việc triển khai các ĐNSS không chỉ của tỉnh Thanh Hóa mà cả ở những địa phương khác trong cả nước cũng sẽ hoàn thiện hơn nếu trong thời gian tới được áp dụng thêm quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh (EENC). EENC bắt đầu bằng “Cái ôm đầu đời” hay duy trì tiếp xúc “da-kề-da” giữa mẹ và bé ngay sau sinh. Phương pháp đơn giản này đem lại rất nhiều lợi ích kì diệu, đặc biệt với những trẻ sinh non, nhẹ cân, giúp ủ ấm trẻ bằng chính hơi ấm của mẹ, chuyển máu từ bánh nhau và những vi khuẩn có lợi từ mẹ sang con, thay vì phải nằm lồng ấp vốn dĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn cho trẻ sinh non. Do đó, phương pháp mới này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động của các ĐNSS./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực