Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống ma túy

Thứ ba, 02/12/2014 11:02

(ĐCSVN) - Trước tình hình tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến phức tạp, nhằm nâng cao tính tự giác, tích cực tham gia công tác phòng, chống ma tuý trong nhân dân, các tổ chức đã phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Nhưng để công tác phòng chống ma tuý thật sự có hiệu quả, mang tính triệt để, thiết nghĩ đòi hỏi cần có sự chỉ đạo đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội...

 

Cần đẩy mạnh công tác phòng chống ma tuý trong nhân dân
(Ảnh minh họa: Đỗ Thoa)

Những thành công bước đầu...

Từ khi có chương trình phát động phòng chống ma tuý trong cả nước, tại 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ và quản lý sau cai nghiện. Một số tỉnh, thành phố đã quan tâm, nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo tích cực thực hiện các biện pháp lồng ghép việc dạy nghề, tạo việc làm để hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy sau cai; huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác hỗ trợ, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Theo thống kê chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ năm 2011 đến tháng 9/2014, cả nước đã có hơn 39 nghìn lượt người nghiện sau cai được dạy nghề; hơn 13 nghìn lượt người được tạo việc làm, hơn 2 nghìn người được vay vốn với tổng số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Về công tác gỗ trợ những người sau cai nghiện, nhiều địa phương đã tích cực lồng ghép với các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm; đứng ra vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn nhận đối tượng sau cai nghiện vào làm việc... Những người sau cai không đủ sức khỏe, trình độ đi làm trong các công ty, xí nghiệp sẽ được tạo điều kiện cho các đối tượng được vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để họ tự kinh doanh tại nhà... Sau thời gian thực hiện, kết quả bước đầu cho thấy nhiều người đã có việc làm, ổn định cuộc sống.

Điển hình như tại Bến Tre đã kết nối, vận động cho 239 người tham gia học nghề: đúc chậu khiểng, se chỉ sơ dừa, sửa chữa máy nổ... giúp hàng trăm người có thể chủ động tham gia lao động sản xuất tại địa phương, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, giảm nguy cơ tái nghiện. Tại Bình Dương, bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư tránh phân biệt đối xử, kỳ thị, các ngành, các cấp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng sau cai để có biện pháp giúp đỡ, giải quyết việc làm. Hàng năm các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai kêu gọi các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp đóng góp kinh phí cho "Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự" để hỗ trợ vật chất, cho vay vốn sản xuất đối với những người tù được tha, đặc xá, người sau cai nghiện có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn, 30 đối tượng được vay vốn, 304 người sau cai nghiện được giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống....

Ngoài ra, tại nhiều tỉnh, thành phố, các đội tình nguyện được thành lập nhằm tư vấn, hỗ trợ sinh kế cho người cai nghiện. Hiện, cả nước đã có trên 2,5 nghìn đội công tác xã hội tình nguyện với gần 17 nghìn tình nguyện viên tại 38 tỉnh, thành phố. Đội tình nguyện của các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bến Tre, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... đã giúp hàng trăm người có công ăn việc làm ổn định. Các tổ chức dựa vào cộng đồng (tổ, nhóm tự lực, đồng đẳng, câu lạc bộ...) những năm qua liên tục phát triển, đóng góp quan trọng vào tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Với sự hỗ trợ ban đầu của một số tổ chức quốc tế, nhiều tổ chức xã hội đã tạo việc làm cho hàng trăm người sau cai...

Có thể khẳng định các nội dung, tinh thần chỉ đạo, đổi mới, sáng tạo, quan tâm của lãnh đạo các cấp đã mang lại kết quả, hiệu quả và sự chuyển biến tích cực đối với công tác cai nghiện ma túy nói chung và hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng nói riêng.

Phòng chống ma túy cần làm quyết liệt, kiên trì  

Kết quả đạt được là vậy, tuy nhiên qua rà soát, đánh giá, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng gần 4 lần trong 20 năm qua, kinh phí và nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy giảm mạnh, kết quả công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao. Theo báo cáo rà soát, quản lý người nghiện của Bộ Công an, tình hình nghiện ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến cuối tháng 9/2014, cả nước có hơn 204 nghìn người nghiện ma túy, ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn trong cả nước. Người nghiện xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Toàn quốc có 10 địa phương trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS, trong đó có 3 địa phương có số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý cao nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Sơn La.

Qua triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, thực tế đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn về thực hiện trình tự thủ tục, quản lý người nghiện ma túy, đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhất là các đối tượng không có nơi cư trú ổn định, người nghiện ma túy ngoài cộng đồng gia tăng làm mất trật tự an toàn xã hội, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Bên cạnh một số địa phương làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng vẫn có những địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác này. Ở hầu hết các địa phương, công tác dạy nghề cho người sau cai nghiện chủ yếu được thực hiện tại các Trung tâm, tại cộng đồng, công tác quản lý, dạy nghề, tạo việc làm chủ yếu giao cho gia đình, đoàn thể, chưa có sự vào cuộc của chính quyền. Theo quy định, công tác quản lý sau cai nghiện tập trung chủ yếu vào khâu tư vấn, tác động tâm lý, sau đó định hướng học nghề, tạo việc làm cho người nghiện. Việc làm này không chỉ được thực hiện trực tiếp với bản thân, gia đình người nhiện mà còn tác động đến cả cộng đồng dân cư để giảm kỳ thị nhưng thực tế cho thấy, tại nhiều xã, phường, thị trấn, sau khi tiếp nhận người nghiện đều bàn giao cho ngành công an và các đoàn thể quản lý một cách hành chính, cứng nhắc...

Để hạn chế bất cập của công tác này, tại cuộc họp về công tác cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết công tác này, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá nghiêm túc nguyên nhân và trách nhiệm, bổ sung những chỉ đạo, giải pháp mới, phù hợp với thực tế; bảo đảm hiệu quả hơn. Các bộ ngành, địa phương cần rà soát ngay các văn bản có liên quan đến công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy để ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới; đề xuất sửa đổi bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

“Nhiệm vụ phòng chống ma túy hết sức nặng nề và phải làm kiên trì, quyết liệt, lâu dài. Phải tập trung rà soát, đánh giá vì sao số người nghiện tăng, vì sao cai nghiện không hiệu quả, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các biện pháp hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống ma túy vì sức khỏe của người dân, vì giống nòi và vì trật tự an toàn xã hội” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua kiến nghị của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy lang thang, không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, Quốc hội đồng ý với kiến nghị của Chính phủ cho phép thí điểm lập trung tâm tiếp nhận người nghiện ma túy lang thang, không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, các cơ sở phải bảo đảm an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định, Thông tư liên quan, xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao tiến hành đánh giá thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật có liên quan để khi cần thiết trình Quốc hội xem xét sửa đổi những quy định không phù hợp...  

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực