Khởi động dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2017. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 6/2018, toàn quốc có trên 209.000 người nhiễm HIV đang còn sống. Tỷ lệ nhiễm HIV trong hầu hết các nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm có xu hướng giảm nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng người chuyển giới có xu hướng tăng lên (9-11% năm 2017, 7,36% năm 2016) tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Vì vậy, bên cạnh các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống cần có những lựa chọn can thiệp khác cho nhóm đối tượng này.
Tại Việt Nam, năm 2017, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đã được triển khai thí điểm tại 2 thành phố là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 1 năm triển khai, đã có 1.700 người tham gia sử dụng dịch vụ tại 10 cơ sở y tế bao gồm: các cơ sở y tế tư nhân và các cơ sở y tế công lập (tại TP. Hồ Chí Minh 4 cơ sở y tế tư nhân và 4 cơ sở y tế công lập, tại Hà Nội 1 cơ sở y tế công và 1 cơ sở y tế tư nhân).
Đối tượng khách hàng sử dụng dự phòng trước phơi nhiễm bao gồm nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ,...Kết quả thí điểm cho thấy Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là khả thi và được chấp nhận như là một biện pháp dự phòng trong các quần thể nguy cơ cao.
Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho quần thể nguy cơ cao bằng thuốc kháng HIV (ARV) có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Việc tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới trên 90%.
Thực tế cho thấy chưa có trường hợp MSM nào bị nhiễm HIV trong khi đang sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra khi nhóm MSM ngưng sử dụng PrEP hoặc sử dụng không liên tục theo hướng dẫn. Vì những lợi ích trên, Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017 đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai dự phòng nhiễm HIV cho quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới,…
Tại Việt Nam, ngày 12/2/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1340/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai Dự án Phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các đối tượng nguy cơ cao (PrEP) được xác định là một can thiệp dự phòng nhiễm HIV cần được triển khai tại Việt Nam. Thuốc ARV sử dụng để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hiện đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam.
Vì những lý do trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Quyết định số 1340/QĐ-BYT về việc triển khai Kế hoạch Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018 - 2020, Cục Phòng, chống HIV xây dựng Kế hoạch triển khai dự phòng trước phơi nhiễm cho quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV giai đoạn 2018 – 2020.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV. Trong đó, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho ít nhất 5.600 người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2019. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho ít nhất 7.300 người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV vào năm 2020.
Trong năm 2018, tiếp tục duy trì các cơ sở triển khai PrEP tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, triển khai công tác chuẩn bị để cung cấp PrEP trong năm 2019 (lựa chọn địa điểm, mua thuốc ARV, xây dựng các hướng dẫn, triển khai hoạt động truyền thông, tập huấn cán bộ….).
Năm 2019, triển khai tại 11 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, và Bình Dương. Năm 2020, tiếp tục duy trì PrEP tại 11 tỉnh, thành phố trên đồng thời căn cứ theo tình hình dịch HIV thực tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS thống nhất với các tỉnh, thành phố quyết định địa bàn triển khai PrEP.
Với gói dịch vụ PrEP triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV PrEP, bao gồm: tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ; điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP); hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP; sàng lọc và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; sàng lọc tình trạng viêm gan B, C; hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ liên quan khác (kế hoạch hóa gia đình, tiêm phòng viêm gan B, điều trị viêm gan C….).
Về tổ chức thực hiện, Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng văn bản hướng dẫn và tài liệu tập huấn triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Hướng dẫn các tỉnh, thành phố lựa chọn địa bàn triển khai căn cứ vào tình hình dịch HIV thực tế và tổ chức thực hiện PrEP tại các địa bàn triển khai. Theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Sở Y tế, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Kiểm tra, giám sát triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV.
Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố, phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS và các đối tác triển khai tập huấn PrEP. Hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp với địa bàn triển khai. Hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ PrEP trong việc dự trù, tiếp cận với thuốc ARV điều trị PrEP. Theo dõi, giám sát và báo cáo tiến độ triển khai PrEP với Sở Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS.
Các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, cung cấp dịch vụ PrEP, báo cáo việc thực hiện PrEP cho các đơn vị theo quy định. Với các dự án quốc tế và các tổ chức dựa vào cộng đồng, phối hợp, hỗ trợ Cục Phòng, chống HIV/AIDS và đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn triển khai xây dựng kế hoạch triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại cộng đồng và các cơ sở điều trị HIV/AIDS.
Phối hợp tổ chức triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại cộng đồng các cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp với cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế phối hợp để truyền thông và tổ chức triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao./.