Người dân Hà Giang đang sơ chế sản phẩm Atiso (Ảnh:baohagiang.vn)
Theo UBND tỉnh Hà Giang, hầu hết các cao nguyên trên địa bàn tỉnh đều nằm ở đai khí hậu á nhiệt đới với độ cao từ 800 đến 1.700m so với mực nước biển. Thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao, thích hợp để phát triển các loài cây dược liệu á nhiệt đới và ôn đới, trong đó có nhiều loại cây thuốc có giá trị cao và nhu cầu sử dụng lớn mà hiện nay đang chủ yếu phải nhập khẩu như: bạch chỉ, cát cánh, đương quy, đan sâm,…Ngoài ra, do địa hình bị chia cắt mạnh, tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, nên nguồn gen về cây dược liệu của Hà Giang cũng rất đa dạng, phong phú.
Để thực hiện xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững trong điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, thì nguyên tắc cơ bản là phải dựa vào lợi thế của tỉnh. Đó là lợi thế về đất đai, khí hậu, cây, con bản địa,…mà những tỉnh lân cận không có hoặc không trồng được, hoặc trồng được nhưng năng suất, chất lượng không bằng của tỉnh Hà Giang. Đồng thời, phải trồng cây có giá trị cao, chi phí vận chuyển thấp để tăng hiệu quả kinh tế.
Dựa trên nguyên tắc cùng với lợi thế về đất đai, khí hậu rất thích hợp cho việc bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu. Trên cơ sở quy hoạch phát triển dược liệu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã cụ thể hóa để phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu của tỉnh đến 2020 và định hướng đến 2025. Đồng thời, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ cho Hà Giang được xây dựng dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại 6 huyện nghèo 30a tỉnh Hà Giang.
Hiện nay, Hà Giang đã ban hành và có những chính sách cụ thể để phát triển cây dược liệu. Trong đó, hỗ trợ 100% giống, phân bón để trồng các cây dược liệu (thảo quả, hương thảo, gừng, nghệ,…) đối với các huyện 30a. Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá nhân để trồng mới cây dược liệu. Quy mô nông hộ tối thiểu 0,2ha, đối với tổ chức quy mô sản xuất tập trung tối thiểu 2ha; mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của từng loại cây dược liệu, nhưng tối đa không được quá 60 tháng. Hỗ trợ 100% lãi suất cho vay vốn các tổ chức, cá nhân xây dựng vườn ươm cây giống dược liệu với quy mô tối thiểu 1ha trong nhà lưới hoặc 0,5ha không có nhà lưới. Mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ lãi suất là 36 tháng.
Nhằm phát triển dược liệu trong tỉnh, UBND tỉnh Hà Giang đã ký kết hợp tác khoa học với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi Phía Bắc, Viện Dược liệu; thu hút các doanh nghiệp đến nghiên cứu để phát triển dược liệu bước đầu.
Mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt, chính sách hỗ trợ để phát triển cây dược liệu, tuy nhiên, Hà Giang vẫn chưa khai thác hết thế mạnh để phục vụ cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế của tỉnh, các loại cây dược liệu được trồng vẫn nhỏ lẻ, chưa có nguồn gốc để hỗ trợ; quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chủ yếu là kinh nghiệm truyền thống chưa theo các quy chuẩn của Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế. Quá trình tiêu thụ chủ yếu phơi khô và bán cho các người thu gom nhỏ, giá trị thấp, giá cả bấp bênh, cạnh tranh mua bán,…dẫn đến chưa xây dựng được uy tín các sản phẩm trên thị trường.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương giúp đỡ, cũng như chia sẻ của các Doanh nghiệp dược liệu. Cùng với đó, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, vừa bảo tồn vừa phát triển cây thuốc nhằm lưu giữ nguồn gen các loài dược liệu quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng nằm trong danh mục cây thuốc do Bộ Y tế công bố làm cơ sở cung cấp nguồn giống cho sản xuất phát triển.
Bên cạnh đó, việc phát triển dược liệu phải đảm bảo nguyên tắc có ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của chính quyền và người dân. Trong đó, việc triển khai phải đảm bảo chắc chắn, ổn định, lâu dài, tạo lòng tin cho người dân, không chạy theo số lượng mà không mang lại hiệu quả. Chỉ đạo đẩy mạnh thành lập các Hợp tác xã dược liệu để làm “vệ tinh”, liên kết, làm” cánh tay vươn dài” của các doanh nghiệp để phát triển bền vững dược liệu, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng và đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, hài hòa lợi ích tại cộng đồng. Thông qua đó góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội vùng biên cương, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển dược liệu hiện nay, đảm bảo phát triển dược liệu có thương hiệu riêng, đồng thời thu hút du khách đến với Hà Giang với mục đích vừa du lịch, vừa chữa bệnh và thưởng thức ẩm thực từ dược liệu./.