Hà Nội: Tăng cường các giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thứ sáu, 13/11/2015 17:16
(ĐCSVN) -  Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao nhất tại miền Bắc. Công tác phòng chống dịch ra sao, cần có những giải pháp gì để đẩy lùi dịch bệnh… ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.Hà Nội đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.


 Phóng viên (PV):
Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có những biện pháp như thế nào để phòng chống và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.Hà Nội

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết rải rác quanh năm song tăng mạnh vào mùa dịch (từ tháng 4-5 đến tháng 11).

Để chủ động cho công tác phòng chống, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tham mưu cho UBND Thành phố chủ động triển khai biện pháp chỉ đạo, điều hành. Về chuyên môn, Trung tâm tham mưu cho Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo 30 trung tâm y tế các quân huyện và 500 xã phường chủ động giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên để chủ động triển khai biện pháp bao vây và ngay lập tức, khoanh vùng xử lý (phun thuốc dập dịch). Đến nay, trên 90% các ổ dịch nhỏ được phát hiện và xử lý sớm ngay từ ca bệnh đầu tiên.

Ngoài ra, khi dịch có chiều hướng gia tăng, Trung tâm đã triển khai chiến dịch phun hóa chất diện rộng và tổ chức chiến dịch vệ sinh diệt bọ gậy (hay còn gọi là loăng quăng) đến từng hộ gia đình.

Điều quan trọng nữa là công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân khi có trường hợp sốt nghi sốt xuất huyết thì đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và có hướng điều trị, tránh tử vong.

PV: Việc phòng tránh dịch sốt xuất huyết không chỉ của riêng ngành y tế mà cần có sự phối hợp của người dân?

Đúng vậy. Việc phối hợp, chung tay của người dân với ngành y tế để phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Về chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi sẵn sàng có đầy đủ máy móc, hóa chất để phòng chống và dập dịch. Tuy nhiên, việc phòng chống sốt xuất huyết liên quan đến từng hộ gia đình. Vì muỗi truyền bệnh xuất hiện ở trong nhà, sinh sôi ở các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Việc chung tay phòng chống của cộng đồng và cụ thể từng gia đình, người dân thì mới có hiệu quả.

Để làm tốt việc này, chính quyền địa phương cần đứng lên tổ chức triển khai chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể địa phương, những năm gần đây, chúng tôi cũng đề nghị chính quyền Thành phố huy động lực lượng công an cùng vào cuộc. Tỷ lệ hưởng ứng của người dân đã tăng lên rõ rệt, từ 60-70 lên 90%.

PV: Trong quá trình thực hiện phun hóa chất phòng chống dịch, ở nhiều nơi người dân không nhiệt tình phản ứng. Còn tại Hà Nội thì sao?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Hà Nội còn khoảng 7-10% hộ gia đình không hợp tác với nhiều lý do như: có trẻ nhỏ, có người ốm… hoặc chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa thực sự hợp tác với ngành y tế trong việc phòng chống dịch.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng chính quyền vận động và đề nghị, nếu gia đình nào ở nơi nguy cơ cao, có nhiều bọ gậy, thậm chí trong vùng dịch nhưng không hợp tác thì sẽ áp dụng biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật.

PV: Sợ bất hợp tác đó, có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ việc người dân băn khoăn về tính độc hại của thuốc phun?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Hiện nay, hóa chất phòng chống sốt xuất huyết là loại hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. Hơn nữa, hóa chất này là thế hệ mới nhất, an toàn nhất. Tuy nhiên, đối với người có bệnh về đường hô hấp, trẻ nhỏ và người ốm, thuốc có thể kích ứng, gây ho. Do đó, trước khi phun thuốc, phải ra khỏi nhà 30 phút đến 1 giờ đồng hồ và sơ tán vật nuôi, chất dễ cháy nổ để bảo đảm an toàn nhất.

Một điều cần lưu ý nữa là, việc phun với lượng hóa chất cực nhỏ, hiệu quả tối đa nhưng chỉ diệt được muỗi trưởng thành có chứa vi rút để dập dịch ở thời điểm đó, chứ không thể hiệu quả lâu dài. Nên nhiều người dân nghĩ rằng cứ phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế thì diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết lâu dài là không đúng.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Sở Y tế cũng có dường dây nóng, người dân có thể gọi điện trực tiếp để được tư vấn, hướng dẫn và được miễn phí phun chống dịch 100%.

Tuy nhiên, chỉ đến khi có ca bệnh xét nghiệm dương tính thì khoanh vùng và phun thuốc diệt muỗi là cần thiết - đây là biện pháp cuối cùng.

Bình thường, người dân cần chủ động phòng tránh bằng cách đơn giản: úp tất cả các loại bình có nước đọng, bể, tiểu cảnh thì cần thả cá để diệt bọ gậy. Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết!

PV: Xin Cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực