Huy động nguồn lực đầu tư cho công tác CSSKSS

Thứ hai, 14/12/2015 18:24
(ĐCSVN) - Huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế, đặc biệt cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Công tác chăm sóc sức khỏe mẹ và bé cần tiếp tục được quan tâm để thực hiện các can thiệp 
có hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe, giảm tử vong mẹ và trẻ em. Ảnh: T.H.

Chưa được đầu tư thỏa đáng

Trong những năm qua, ngân sách Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác này tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi nguồn viện trợ quốc tế ngày một giảm, đặc biệt là kể từ sau năm 2010. Theo kết quả thực hiện Dự án CSSKSS và cải thiện dinh dưỡng trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em (Bộ Y tế) công bố, hoạt động CSSKSS trong năm năm qua đã có những cải thiện đáng kể, tuy nhiên cùng với đó, vẫn còn một số điểm tồn tại. So với giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ giảm tử vong mẹ và trẻ em có xu hướng chậm lại rõ rệt, đặc biệt là tốc độ giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi không đạt được tiến độ. Nếu không được đầu tư ngân sách thỏa đáng và có những giải pháp can thiệp hiệu quả thì rất khó có thể đạt được các mục tiêu của Dự án, đồng thời cũng là Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 4.

Tỷ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ em đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch rất lớn giữa các vùng, miền. Chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt cao tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc: 33,9‰ và Tây Nguyên: 39,5‰ (theo số liệu công bố năm 2014 của Tổng cục Thống kê). Các chỉ số phụ nữ có thai được quản lý thai nghén, khám thai đủ 3 lần, phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ, bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau đẻ đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra trên bình diện chung toàn quốc, tuy nhiên vẫn còn thấp ở các tỉnh miền núi khó khăn…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do nhận thức của lãnh đạo các cấp về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về sức khỏe bà mẹ, trẻ em chưa thật sự đồng đều. Nhiều chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ, trẻ em như giảm tỷ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em, tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên… chưa được quan tâm, đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Cùng với đó, ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong những năm vừa qua tuy đã cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi nguồn viện trợ quốc tế ngày một giảm, đặc biệt là kể từ sau năm 2010. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, để đạt được MDG4 và MDG5, mỗi năm Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 4USD/phụ nữ có thai (tương đương khoảng 6 triệu USD) từ ngân sách. Các mục tiêu của Dự án được xây dựng trên cơ sở ngân sách đầu tư khoảng 120 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay mỗi năm ngân sách trung ương chỉ phân bổ cho công tác làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh mới đạt mức 44 – 45 tỷ đồng, tổng ngân sách địa phương hỗ trợ cũng chỉ khoảng 4 – 5 tỷ đồng mỗi năm, mặt khác nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng bị cắt giảm phần lớn do Việt Nam đã có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe mẹ và bé tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. 
Ảnh: T.H. 

… dẫn đến nhiều hạn chế trong việc cải thiện chất lượng CSSKSS

Do khó khăn về kinh phí nên thời gian qua, Bộ Y tế chưa thể nhân rộng được các can thiệp hiệu quả nhằm giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Cũng do nguồn lực còn hạn chế nên các can thiệp cũng chỉ tập trung vào mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, các mục tiêu khác của Dự án như phòng ngừa và điều trị vô sinh, CSSKSS cho vị thành niên, giảm phá thai và phá thai an toàn, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, CSSKSS cho nhóm dân tộc thiểu số đặc thù như người khuyết tật, người có HIV, người di cư và một số dân tộc có nguy cơ suy thoái, nam giới và người cao tuổi còn chưa được đầu tư thỏa đáng.

Cũng do hạn hẹp về kinh phí nên công tác truyền thông chưa có chiều sâu đến từng hộ gia đình nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS còn nhiều hạn chế cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu và năng lực cung cấp dịch vụ, đặc biệt là ở tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã. Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng theo ước tính của Liên hợp quốc, tử vong sơ sinh (trong vòng 28 ngày tuổi) vẫn chiếm khoảng 70% số tử vong dưới 1 tuổi và 50% số tử vong dưới 5 tuổi. Điều đó chứng tỏ công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh vẫn còn nhiều hạn chế ở tất cả các tuyến.

Tăng cường vận động chính sách cho công tác CSSKSS

Để cải thiện chất lượng công tác CSSKSS, Bộ Y tế đã tiến hành một số hoạt động nhằm huy động thêm sự đầu tư từ các cơ quan, đơn vị cho lĩnh vực này, đặc biệt ở những địa phương còn khó khăn. Ths BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Hàng năm, Bộ Y tế đều có các công văn đề nghị các tỉnh hỗ trợ thêm cho Chương trình mục tiêu quốc gia về CSSKSS; cùng với đó, tổ chức các cuộc hội thảo mời lãnh đạo chính quyền, ngành y tế và các tỉnh đến để vận động chính sách. Gần đây nhất là Hội thảo "Chính sách dành cho các Cô đỡ thôn bản", trong đó có mời lãnh đạo tỉnh, tuy nhiên có người đến, người không. Về phía Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em – đơn vị trực tiếp phụ trách lĩnh vực CSSKSS, đã tham mưu Bộ Y tế ban hành Thông tư 07/2013 công nhận Cô đỡ thôn bản là loại hình nhân viên Y tế thôn bản để được hưởng phụ cấp theo Quyết định 75 của Thủ tướng Chính phủ. Về việc xin tài trợ nước ngoài, hiện nay có một số nguồn viện trợ ko hoàn lại của Nhật Bản, EU, các tổ chức Liên hợp quốc, vốn vay ODA như ADB, World Bank. Việc vận động nguồn tài trợ do Vụ hợp tác quốc tế và Vụ kết hoạch tài chính, Bộ Y tế thực hiện, tuy nhiên khi có cơ hội tiếp xúc với các nhà tài trợ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em luôn cố gắng đưa các nội dung liên quan đến CSSKSS, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào dự án. Theo tôi, đó cũng là một cách vận động có hiệu quả. Trong những năm gần đây, các khoản hỗ trợ rất ít nên chúng tôi chú trọng ưu tiên các vùng miền khó khăn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, tập trung hơn vào những nhóm đối tượng dễ tổn thương. Khi có nguồn tài trợ dành cho công tác CSSKSS, chúng tôi đều dành khoảng 70-80% nguồn đầu tư cho những khu vực đặc thù này, còn lại đối với các tỉnh đồng bằng, thành phố, chúng tôi chủ yếu hướng dẫn về mặt chuyên môn.

Trong thời gian tới, để duy trì các thành quả của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đồng thời hoàn thành các mục tiêu chưa đạt được, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chiến lược DS-CSSKSS giai đoạn 2020 và tiến tới hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế đang xây dựng, công tác CSSKSS cần tiếp tục được đầu tư để thực hiện các can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả trong công tác nâng cao sức khỏe, giảm tử vong mẹ và trẻ em, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, các nhóm dân cư. Cùng với đó, sẽ tiếp tục tranh thủ sử dụng nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, lồng ghép các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về SKSS với các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức trong nước để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực này.

Trong năm 2015, ngân sách trung ương phân bổ cho Dự án CSSKSS và cải thiện dinh dưỡng trẻ em 25 tỷ đồng, trong đó phân bổ về địa phương và các Bộ, ngành liên quan 19 tỷ 842 triệu, số còn lại do Bộ Y tế điều hành, tập trung chủ yếu vào các hoạt động đào tạo cập nhật cho cán bộ về chăm sóc, hồi sức cấp cứu bà mẹ và sơ sinh, đào tạo về phá thai an toàn, cung cấp bơm hút thai cho tuyến xã và đội lưu động của tuyến huyện, hỗ trợ thiết lập một số đơn nguyên chăm sóc sơ sinh cho BVĐK tuyến huyện. Theo số liệu báo cáo về Vụ SKBM-TE (Bộ Y tế), cho đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố cam kết chi khoảng 4 tỷ đồng cho công tác CSSKSS từ ngân sách của địa phương.

Ngoài nguồn ngân sách trung ương và địa phương phân bổ cho Dự án, ngân sách của EU cũng viện trợ cho các Mục tiêu Thiên niên kỷ về SKSS và cải thiện tình trạng dinh dưỡng là 104 tỷ 573 triệu đồng, trong đó mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng 10 tỷ 992 triệu đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản là 93 tỷ 581 triệu đồng. Ngân sách EU chủ yếu tập trung vào các hoạt động như đào tạo cán bộ y tế đạt tiêu chuẩn người đỡ đẻ có kỹ năng khu vực ASEAN, thực hiện quy trình chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đào tạo ê kíp phẫu thuật và gây mê hồi sức trong cấp cứu sản khoa kết hợp bổ sung trang thiết bị phẫu thuật và gây mê hồi sức cho bệnh viện vùng khó tiếp cận (biên giới, hải đảo), đào tạo Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng đặc biệt khó khăn, đào tạo kíp cán bộ và bổ sung trang thiết bị để thiết lập Đơn nguyên sơ sinh cho các bệnh viện tuyến tỉnh, mua sắm mô hình đào tạo hồi sức cấp cứu cho bà mẹ và sơ sinh cho các địa phương,…

(Trích "Báo cáo kết quả thực hiện Dự án CSSKSS và cải thiện dinh dưỡng trẻ em giai đoạn 2011 - 2015" của Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em, Bộ Y tế)

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực