(ĐCSVN) – Theo Bộ Y tế, hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2010-2014 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành.
|
Nhiếu tiến bộ mới giúp những ca phẫu thuật khó đã đạt tỷ lệ thành công ngày càng cao (Ảnh: TM) |
Cụ thể, thống kê của Bộ chỉ rõ, giai đoạn này, đã có 144 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, 149 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, 12 nhiệm vụ cấp quốc gia.
Ngoài ra, phải kể đến các kết quả đạt được trên một số lĩnh vực như: nghiên cứu khoa học và nền tảng quan trọng góp phần đáp ứng được 10/11 loại vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia; làm chủ nhiều kỹ thuật sinh học phân tử trong xác định tác nhân gây bệnh dịch, đưa một số công nghệ lĩnh vực y học dự phòng, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; Công nghệ và kỹ thuật trong lĩnh vực y học lâm sàng có bước tiến nhảy vọt về ghép tạng, can thiệp ít xâm lấn, can thiệp tim mạch góp phần làm giảm tỷ lệ chảy máu ngoại tệ hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm do không phải đi nước ngoài điều trị; nhiều kỹ thuật tiên tiến trở thành quy trình, kỹ thuật thường quy được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị từ trung ương đến tuyến tỉnh như hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, huyết học, chỉnh hình…
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cơ bản - cơ sở đã tập trung vào các lĩnh vực công nghệ nền như nghiên cứu về gen, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán bệnh tật và bước đầu nghiên cứu về tế bào gốc; các dự án khoa học và công nghệ về bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc, dược liệu đã bảo tồn được hàng nghìn cây thuốc bản địa, hiệu quả kinh tế đạt hàng nghìn tỷ đồng từ dược liệu và thuốc từ dược liệu.
Thêm vào đó, một số công nghệ tổng hợp, bán tổng hợp đã được triển khai tiếp cận trình độ các nước tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có giá thành thấp, cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại. Các nghiên cứu là các giải pháp về chính sách y tế, các giải pháp về nâng cao hiệu quả hệ thống y tế, các giải pháp về nhân lực y tế, dân số đã cung cấp khoa học bằng chứng làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật... về các lĩnh vực y tế. Nghiên cứu về trang thiết bị y tế giai đoạn 2010-2014 tập trung chủ yếu làm chủ công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị trang thiết bị thiết yếu, thiết bị vật liệu thay thế phù hợp với trình độ công nghệ hiện tại.
Với những thành công trên, không thể không nhắc đến vai trò của Bộ Y tế trong việc chỉ đạo và lãnh đạo công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Qua đó, càng thấy rõ ràng, khoa học thực sự là động lực phát triển ngành, thực sự đã có những đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế và nâng tầm ngành y học Việt Nam trên trường quốc tế.