Không thể phủ nhận thành quả trong phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Thứ hai, 14/06/2021 18:48
(ĐCSVN) - Dịch COVID đã gây hậu quả nặng nề cả về kinh tế, đời sống, việc làm, sức khỏe, tính mạng con người. Thế giới đã và đang trải qua 4 làn sóng dịch, chưa có nhà khoa học nào khẳng định một cách chắc chắn đến bao giờ dịch COVID -19 hoàn toàn chấm dứt trên phạm vi toàn cầu. WHO và nhiều nhà khoa học nhận định COVID-19 nguy hiểm hơn một số dịch bệnh gây chết người đã từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại.
 Nêu cao tinh thần quyết tâm, chung sức chung lòng chống dịch COVID-19. (Ảnh tư liệu)

Dịch COVID-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 tại Trung Quốc. Trước tính chất, và mức độ nguy hiểm của dịch, ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu (đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới).

Là nước tiếp giáp Trung Quốc nên khi dịch COVID -19 mới xuất hiện ở nước ta (tháng 01/2020), không ít người đã dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia chịu hậu quả nặng nề thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc). Tuy nhiên, thực tế đã khẳng định, gần 18 tháng kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời, quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực vào cuộc chiến. Nhân dân đồng lòng, tin tưởng, ủng hộ và thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp, khuyến cáo của ngành y tế.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình là một pháo đài, mỗi người dân đã nêu cao tinh thần chủ động, thực sự là “một chiến sĩ” trong cuộc chiến này. Khẩu hiệu 5K (khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) được xác định là vũ khí hữu hiệu để chống dịch. Đặc biệt, những nơi phải phong tỏa, những điểm cách ly tập trung đã nhận được sự sẻ chia về vật chất và tinh thần của nhiều nhà hảo tâm, đông đảo nhân dân đủ các lứa tuổi, giới tính, ngành nghề.

Song song với việc phòng, chống dịch trong nước, Việt Nam còn tổ chức được nhiều chuyến bay cứu trợ đến tâm dịch để đón kiều bào ta về nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm với các nước, tham gia hỗ trợ một số nước phòng, chống dịch COVID -19. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng đã chủ trì đề xuất và được Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm.

Bệnh viện dã chiến được triển khai nhanh gọn, kịp thời nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
(Ảnh tư liệu) 

Rõ ràng, Việt Nam chưa phải là nước có nền kinh tế mạnh, chưa phải là nước có trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng Việt Nam đã và đang trở thành điểm sáng toàn cầu trong phòng, chống COVID-19.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 14/6/2021, toàn cầu đã có trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh COVID-19, với trên 177 triệu người nhiễm, trong đó trên 4 triệu người bị chết vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, số ca nhiễm 11.000 (nhiều ca là người nhập cảnh), số người chết là 59 (chủ yếu những người có bệnh nền).

Tổ chức y tế thế giới, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, báo chí các nước ghi nhận và đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Trong số đó, Báo điện tử Business Insider của Mỹ nhấn mạnh, không quốc gia nào có cùng quy mô dân số lại kiềm chế virus tốt như Việt Nam. Hay Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố ngày 28/01/2021 bảng xếp hạng 98 nước về mức độ thành công trong ứng phó với đại dịch, Việt Nam đứng thứ 2 (sau New Zealand), trong khi Mỹ xếp vị trí 94.

Có thể thấy, thành tựu bước đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID -19 của Việt Nam rất đáng tự hào. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã có nhiều chiêu trò xuyên tạc, phủ nhận thành quả chống COVID-19 của Việt Nam.

Các tổ chức phản động lưu vong như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, các đài phát thanh BBC, VOA, RFA, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ, “Voice”, “BPSOS”… câu kết các đối tượng phản động, bất mãn trong nước phủ nhận thành quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19. Họ đã lợi dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 ở trong nước, xuyên tạc tình hình dịch bệnh, tung tin về số lượng người bị nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại các địa phương, hướng dẫn cách tự điều trị, chẩn đoán tại nhà. Họ cũng cho rằng, tại các địa phương vẫn còn che giấu thông tin, thiếu minh bạch trong công bố số ca nhiễm, tử vong. Họ còn quy kết Việt Nam chậm trễ trong việc tiêm phòng. Họ phủ nhận tính minh bạch, trung thực của hệ thống truyền thông chính thống của ta, đồng thời “chứng minh” tính khách quan, tin cậy của mạng lưới “Truyền thông lề trái”. Thậm chí, các thế lực thù địch còn lợi dụng việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện mưu đồ chính trị, chia rẽ chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta với các nước, như việc bịa đặt thông tin “Nga, Mỹ đều công bố COVID -19 là nhân tạo, đã đến lúc Việt Nam tự phòng chống vũ khí sinh học của Trung Quốc”; bịa đặt thông tin đoàn Công an Trung Quốc không bị cách ly 14 ngày nhằm kích động dư luận...

Bác sỹ, nhân viên y tế truyền tải thông điệp dễ thương, nhắc nhở cộng đồng cùng chung sức chống dịch. (Ảnh tư liệu) 

Mới đây nhất, vừa đầu tháng 6/2021, Chính phủ Việt Nam phát động ủng hộ xây dựng Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, thì “Tiếng nói Hoa Kỳ”, “Việt Tân”, “Đài Á Châu tự do”, “BBC Tiếng Việt” đã xuyên tạc rằng: “Chính phủ kêu gọi người dân ủng hộ quỹ mua vaccine là để lừa gạt dư luận, dùng tiền vào mục đích bất chính”. Qua đó, cũng kích động, kêu gọi người dân phản đối, không góp vào quỹ này. Đây là những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu hoàn toàn sai trái không thể chấp nhận được. 

Thiết nghĩ, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức tỉnh táo trước, phải luôn có cách nhìn khách quan, tìm kiếm, chia sẻ những thông tin chính thống, hãy là một chiến sĩ trong chống thông tin xấu độc, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững và phát huy thành quả trong cuộc chiến  chống đại dịch COVID-19./.

Lê Thị Điều - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực