Cụ thể, người dân Việt Nam đã thay đổi từ các món ăn chủ yếu làm từ thực vật và giàu chất xơ (gạo và rau, củ, quả) sang chế độ ăn uống giàu calo, nhiều tinh bột mịn, đường, chất béo, muối, thực phẩm chế biến sẵn, thịt và các sản phẩm nguồn gốc động vật khác.
Tuy nhiên, sự kết hợp của chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và lối sống ít vận động đã khiến tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Từ cuộc điều tra năm 2017 – 2018 tại 75 trường (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) thuộc 25 xã, phường của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An, Sóc Trăng của Viện dinh dưỡng cho thấy có sự tồn tại đồng thời cả hai thái cực về suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu cân, hoặc thừa cân dẫn đến béo phì ở trẻ em và có sự khác biệt theo vùng. Trẻ em ở vùng nông thôn có tỷ lệ suy dinh dưỡng (thiếu cân, chiều cao thấp) nhiều hơn ở thành phố, ngược lại thì thừa cân béo phì lại tập trung cao ở vùng thành thị, đồng thời cấp học càng thấp thì tỷ lệ thừa cân, béo phì càng cao.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, theo kết quả của cuộc điều tra, học sinh tiểu học ở thành phố có tỷ lệ thừa cân béo phì rất cao 41,9% và nông thôn 17,8%, tỷ lệ thấp còi tương ứng là 3,9% và 10,7%. Học sinh trung học cơ sở có tỷ lệ thừa cân béo phì là 30,5% ở thành thị và ở nông thôn là 11,2%, mặc dù vậy, tỷ lệ thấp còi lên tới 20,1% ở nông thôn và 3,8% ở thành thị. Ở học sinh trung học phổ thông, tỉ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh tiểu học và Ttrung học sơ sở, nhưng tỉ lệ này ở thành thị cũng cao hơn vùng nông thôn, lần lượt là 13,5% và 6,2%, tỷ lệ thấp còi ở học sinh trung học phổ thông nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao 14,9% và 8,6% là học sinh thành thị. Nguyên nhân của thừa cân, béo phì ở trẻ em học đường là do chế độ ăn quá dư thừa, ăn quá nhiều so với nhu cầu và thói quen ít hoạt động thể lực.
Trưởng Khoa Dinh dưỡng của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Phú Thọ Trần Thị Thu Hà cho biết, thực hiện ăn uống lành mạnh và duy trì lối sống năng động, tích cực đó là thông điệp quan trọng của Tuần lễ "Dinh dưỡng và Phát triển" năm nay.
ĐƯợc biết đã có nhiều một số thực hành bữa ăn bổ sung, bữa ăn hợp lý các bà mẹ được trang bị kiến thức thực hành về dinh dưỡng hợp lý như: sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; tăng cường ăn các loại rau, củ và trái cây; các loại hạt (đậu, đỗ, vừng lạc…); hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo; không ăn mặn.
Bên cạnh đó, các bà mẹ còn được hướng dẫn cân và đo chiều cao cho trẻ và các thành viên trong gia đình thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ thiếu cân, thừa cân, béo phì, thấp còi ở trẻ em; đồng thời duy trì cân nặng ở mức “nên có” với người trưởng thành để phòng tránh thừa cân, béo phì cũng như suy dinh dưỡng...
Ngoài ra, việc phát triển mô hình vườn ao chuồng tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng cho bữa ăn của gia đình, đặc biệt là bữa ăn của bà mẹ và trẻ em cũng được khuyến khích nhân rộng.
Việc chăm sóc vườn rau, ao cá, cùng việc chế biến món ăn cho gia đình của chị Mai Kim Tuyến (xã Y Sơn) bằng chính những thực phẩm trên mảnh đất của mình mang lại hiệu quả thiết thực. Các thực phẩm để chế biến bữa ăn rất tươi ngon, mâm cơm của gia đình rất hấp dẫn, giàu dinh dưỡng và đảm bảo an toàn, có đủ thành phần của 4 nhóm thực phẩm và cân đối. Các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, điều kiện sống và sinh hoạt của gia đình tương đối khá giả so với nhiều gia đình khác trong thôn. Điều này khẳng định sức khỏe và chất lượng cuộc sống của gia đình được nâng cao là nhờ vào sự phát triển mô hình vườn, ao, chuồng./.