Ngành Y tế đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ hai, 27/10/2014 14:11

(ĐCSVN) - Tư tưởng "Lương y như từ mẫu - Thầy thuốc như mẹ hiền" được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và khẳng định nhiều lần ngay từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

 Ảnh minh họa. (Ảnh: T.Q)

Từ đó đến nay, ngành Y tế nước nhà, những chiến sĩ áo trắng nhất quán trong việc học tập, vận dụng lời căn dặn của Người. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp ngành Y tế (mà xã hội vẫn trân trọng gọi là y đức) đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế nước ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách, nắm vững vận hội, góp phần đưa nước ta tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh...

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cơ bản của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế.

Ngày 14 tháng 5 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Chị thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là nguồn động viên, tiếp sức cho toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ với ngành Y tế.

Rút kinh nghiệm những hạn chế, tồn tại trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cụ thể, sát thực, phù hợp với đặc thù ngành Y tế; đã ban hành Hướng dẫn số 59-HD/BCSĐ về tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành; thành lập Bộ phận giúp việc cho Ban Cán sự Đảng và xây dựng Kế hoạch số 49-KH/BCSĐ ngày 22 tháng 12 năm 2011 triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2015. Kế hoạch với 8 nội dung trọng tâm và các biện pháp tổ chức thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của Ngành.

Nghề y là một nghề đặc biệt, cần phải được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt, vì vậy, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế luôn quan tâm đến rất nhiều nội dung trong hoạt động của ngành, trong đó đặc biệt quan tâm đến y đức và y thuật. Mỗi công chức, viên chức, người lao động ngành y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội. Cùng với việc quan tâm phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong điều trị, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thì việc quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp trong ngành y tế thật sự càng cần thiết.

Chú trọng quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử

Từ năm 2007, ngoài những quy định đã ban hành, Bộ Y tế tiếp tục ban hành: Quy chế dân chủ trong các bệnh viện công lập (kèm theo Quyết định số 44 ngày 12 tháng 12 năm 2007, thay thế Quyết định 3649/1999/QĐ-BYT ngày 12 tháng 11 năm 1999); Năm 2008, Bộ Y tế ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức y tế (kèm theo Quyết định số 29 ngày 18 tháng 8 năm 2008); Ngày 25 tháng 02 năm 2014, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư số 07/2014/TT-BYT quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế (thay thế Quyết định số 4031/2001/QĐ-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định về chế độ giao tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp y tế y tế)

Sau khi Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử được ban hành, các đơn vị y tế từ Trung ương đến địa phương đã tập trung tuyên truyền, triển khai trong toàn ngành, tạo phong trào rộng khắp thực hiện tốt Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử. Bộ Y tế đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các đơn vị trong ngành Y tế, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2014, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch số 148/KH-BYT “Tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Quy tắc ứng xử trong ngành Y tế năm 2014” để chỉ đạo trong toàn Ngành.

Học tập tấm gương của Bác, đó là học tập tác phong giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm, nói phải đi đôi với làm, làm việc hiệu quả, không tham ô, tham nhũng, không nhũng nhiễu, hách dịch với nhân dân.

Vì vậy, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn cho công chức, viên chức, người lao động thực hiện những công việc hằng ngày, thiết thực, tránh tình trạng nói chung chung, hình thức.

Cụ thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của từng đơn vị, từng khoa phòng và từng cá nhân như: cải cách quy trình đón tiếp người bệnh, thay đổi giờ hội họp, giao ban, …

Bên cạnh đó, tăng cường niêm yết công khai những nội dung quy định trong Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử và các quy định của ngành, của Nhà nước tại những nơi dễ nhìn thấy, nơi nhiều người qua lại, phù hợp với từng loại hình đơn vị sự nghiệp y tế.

Cùng với đó, tổ chức tốt Hội nghị công chức, viên chức, người lao động hàng năm theo quy định.

Xây dựng tiêu chí thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với vận động cán bộ, viên chức viết bản cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử. Xây dựng tiêu chí đánh giá và xét danh hiệu thi đua, khen thưởng phải có tiêu chí về kết quả triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động.

Đáng chú ý, Ban Thanh tra nhân dân, công đoàn, đoàn thanh niên, các tổ chức quần chúng tại các đơn vị là lực lượng nòng cốt, xung kích trong việc thực hiện cũng như việc kiểm tra, giám sát triển khai Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử.

Đặc biệt, củng cố, duy trì phòng tiếp công dân; xây dựng, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống đường dây nóng, hộp thư góp ý của nhân dân, thông báo công khai số máy di động của lãnh đạo khoa, phòng, ban, của đơn vị và của các cấp có thẩm quyền. Kịp thời xử lý các đơn thư kiến nghị, khiếu nại theo thẩm quyền, tránh để tồn đọng, kéo dài.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn chú trọng tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết nêu gương những tấm gương người tốt, việc tốt; khen thưởng kịp thời cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử; kiên quyết xử lý những cá nhân có thái độ, hành vi ứng xử trái với Quy tắc ứng xử hoặc cố tình vi phạm.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành đã triển khai nhiều biện pháp. Theo đó, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành Y tế, gồm 32 thành viên do Bộ trưởng trực tiếp làm trưởng ban (Quyết định số 2836/QĐ-BYT ngày 06/8/2013). Đưa nội dung học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình sinh hoạt chi bộ hàng tháng, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề theo từng năm; quy định rõ trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của đảng viên.

Đặc biệt, bộ Y tế trực tiếp tổ chức tập huấn về Quy chế dân chủ cho 1624 công chức, viên chức là Lãnh đạo các đơn vị và lãnh đạo các khoa, phòng thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện tuyến tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tổ chức rất nhiều lớp tập huấn về Quy tắc ứng xử cho các địa phương, đơn vị. Năm 2013, tổ chức cho khoảng trên 7000 công chức, viên chức các đơn vị, các bệnh viện về Kỹ năng giao tiếp. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổ chức tập huấn, quán triệt Thông tư số 07/2014/TT-BYT cho khoảng 1150 đồng chí là Lãnh đạo, Chủ tịch công đoàn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Lãnh đạo, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ các Bệnh viện tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế.

Hướng dẫn các địa phương, đơn vị tập huấn Quy tắc ứng xử cho 100% viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế xây dựng nội dung chuẩn mực chung của toàn ngành. Cụ thể, 3 xây bao gồm: Xây dựng tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân; Xây dựng tinh thần tự giác học tập; Xây dựng mối đoàn kết nội bộ.

Ba chống bao gồm: Chống quan liêu, hách dịch; Chống tham ô, lãng phí; Chống bè phái, cục bộ….

Bộ Y tế cho biết, rất mong muốn toàn thể nhân dân quan tâm, ủng hộ, ghi nhận những thành tích to lớn mà hàng ngày, hàng đêm công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đã và đang âm thầm tận tụy phục vụ nhân dân, không chỉ vì một vài “con sâu” trong ngành mà có những cái nhìn khắt khe với những thành tích mà ngành Y tế đã đạt được.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực