(ĐCSVN) - Trong những năm qua, ngành y tế đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và nhân dân đánh giá cao. Nhiều tấm gương cán bộ, nhân viên y tế tận tụy phục vụ nhân dân, hết lòng, hết sức chăm sóc, cứu chữa người bệnh đã được Đảng, Chính phủ, ngành Y tế tôn vinh, được nhân dân, báo chí, công luận biểu dương, nêu tấm gương người tốt, việc tốt.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: TQ) |
Song trên thực tế, vẫn còn tình trạng viên chức y tế có thái độ thờ ơ, cáu gắt, thiếu hòa nhã trong giao tiếp, ứng xử, gây phiền hà cho nhân dân, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh.
Theo Bộ Y tế, có rất nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng nêu trên. Cụ thể, các văn bản quy định, hướng dẫn, chỉ đạo về công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp chưa cụ thể, chưa quy định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cũng như chưa đưa ra những chế tài xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về y tế. Công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho từng công chức, viên chức y tế, là nhiệm vụ của lãnh đạo, quản lý trực tiếp của từng cơ quan, đơn vị y tế. Thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo khoa, phòng phải cụ thể hóa, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và kiên quyết xử lý nếu công chức, viên chức dưới quyền để xảy ra vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực sự quan tâm đến công tác này, triển khai còn chiếu lệ, chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức, hiệu quả đạt chưa cao, còn tập trung vào công tác chuyên môn, chưa quan tâm sâu sắc đến yếu tố con người, đặc biệt về đạo đức nghề nghiệp.
Cùng với đó, sự quá tải ở các bệnh viện khiến người bệnh, gia đình người bệnh và cả nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng thẳng, bức xúc, nên dễ xảy ra tình trạng thực hiện chưa đúng các quy định về giao tiếp, ứng xử.
Đồng thời, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế còn bất cập. Lương và phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp, chưa tương xứng với thời gian đào tạo (6 năm) cũng như môi trường và điều kiện làm việc vất vả, độc hại.
Đáng chú ý, cá nhân một số viên chức y tế chưa thực sự cố gắng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, chạy theo lối sống thực dụng, có biểu hiện xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, cố ý làm trái những quy chế, quy trình chuyên môn và quy định hành nghề gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Ngoài ra, đạo đức nghề nghiệp chỉ có thể được hình thành và phát triển vững chắc trên cơ sở đạo đức con người tốt. Đạo đức con người là sản phẩm giáo dục của gia đình, cộng đồng, xã hội và phải được xây dựng, nuôi dưỡng từ nhỏ. Việc chưa quan tâm đúng mức tới việc dạy cho thế hệ trẻ đạo đức cơ bản của con người, tất sẽ dẫn đến kết quả là họ không thể có đạo đức nghề nghiệp tốt.
Trức thực trang đó, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành những quy chuẩn, chuẩn mực về đạo đức nghề y. Hướng dẫn tổ chức thực hiện; Kiểm tra, giám sát; Sơ kết, tổng kết từ các cấp trung ưng đến cơ sở và đến từng cán bộ, bác sỹ, y sỹ trong ngành.
Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hướng dẫn xây dựng Tiêu chí học tập Bác Hồ, vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phòng, khoa, ban…. Theo Chỉ thị 03-CT/BCT của Bộ Chính trị và Chỉ thị 1793/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Thông tư quy định về Quy tắc ứng xử, trong đó tập trung hướng dẫn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xây dựng quy chế thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm phù hợp với đặc điểm thực tiễn và quy định của pháp luật.
Tăng cường giảng dạy, hướng dẫn sinh viên các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng y phải nắm thành thạo các tiêu chí đạo đức của người làm y tế.
Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn ngành, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện ISO trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.... Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng và Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 về việc ban hành Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh của bệnh viện.
Ngoài ra, thực hiện các giải pháp về nhân lực, giảm quá tải bệnh viện và triển khai thực hiện nhóm giải pháp về chế độ, chính sách cho công chức, viên chức tại các bệnh viện.
Để ngành Y tế thực hiện tốt các nội dung trên, Bộ Y tế cũng đưa ra kiến nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trực tiếp chỉ đạo Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường thực hiện Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức cho công chức, viên chức ngành Y tế (Ví dụ: Các Đề án nâng cao y đức của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, của Sở Y tế Hải Phòng, Nghệ An…).
Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị cho ngành Y tế.