(ĐCSVN) - Gần đây tình trạng ngộ độc rượu đặc biệt là ngộ độc methanol liên tục được các phương tiện truyền thông phản ánh đã có những bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol. Do vậy, cần có những hiểu biết về ngộ độc methanol và cách phòng tránh để giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong do ngộ độc methanol.
Ảnh minh họa. (Nguồn: K.D)
Những con số đáng báo động
Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm 2015 tiêu thụ khoảng 3,7 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu. Mức tiêu thụ đứng thứ 5/10 nước tiêu thụ rượu bia hàng đầu châu Á. Uống rượu bia số lượng nhiều và thường xuyên là nguyên nhân gây ra thay đổi về hành vi tính cách gây mất trật tự xã hội.
Gần đây tình trạng ngộ độc rượu đặc biệt là ngộ độc methanol liên tục được các phương tiện truyền thông phản ánh đã có những bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol. Việc 8 nạn nhân tử vong do ngộ độc rượu methanol xảy ra tại một đám ma ở Phong Thổ - Lai Châu vào ngày 20/02/2017 hay vụ ngộ độc rượu của 7 sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương ngày 10/03/2017. Trong đó, cả 7 nạn nhân đều phải lọc máu. Theo thống kê của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tính từ đầu năm 2017 đã có 34 trường hợp ngộ độc methanol trong đó có 9 trường hợp tử vong. Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận năm 2016 có khoảng 20 ca nghi ngờ ngộ độc methanol. Từ đầu năm 2017 có khoảng 4 ca theo dõi ngộ độc methanol. Tất cả những trường hợp ngộ độc đều sử dụng rượu trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc hoặc không được kiểm định chất lượng. Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo cho những người hay uống rượu không rõ nguồn gốc.
Vậy methanol là gì?
Methanol là rượu đơn giản nhất với công thức CH3-OH không màu, dễ cháy khó phân biệt với rượu uống được là ethanol. Với sản xuất thủ công trong dân gian thì không có công nghệ tách các sản phẩm có hại trong quá trình nấu như methanol, aldehyde, furfural, thậm chí chạy theo lợi nhuận người ta sẵn sàng mua methanol về pha chế thành rượu. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng thì hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100mg/lít cồn 100 độ.
Triệu chứng ngộ độc của methanol bao gồm biểu hiện về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn; dấu hiện về thần kinh như đau đầu, lơ mơ, co giật thậm chí dẫn tới hôn mê; thị giác nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như đứng trong cơn bão tuyết, methanol có thể gây mù vĩnh viễn; tim mạch có thể gặp tình trạng tăng huyết áp trong giai đoạn đầu, tụt huyết áp, trụy mạch. Liều gây chết của methanol khi uống ước tính từ 30-240ml (20-150g).
Xét nghiệm định lượng nồng độ methanol trong máu giúp khẳng định chẩn đoán, ngoài ra các xét nghiệm như khí máu đánh giá tình trạng toan chuyển hóa, soi đáy mắt tìm dấu hiệu phù gai thị, các xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng gan thận, đường máu.
Điều trị đối với ngộ độc rượu methanol gồm có điều trị đặc hiệu và các điều trị hỗ trợ. Điều trị đặc hiệu bằng fomepizole hay ethanol do cơ chế tranh chấp với enzyme chuyển hóa của methanol. Ngoài ra các biện pháp hỗ trợ khác: Hạn chế hấp thu nếu bệnh nhân tới sớm bằng than hoạt, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm, điện giải. Bổ xung acid folic là chất cần thiết để chuyển hóa acid formic thành CO2 và nước, cắt cơn co giật, lọc máu giúp nhanh chóng đào thải methanol và acid formic đồng thời điều chỉnh toan kiềm máu.
Phòng ngừa ngộ độc methanol
Việc lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Để đề phòng ngộ độc rượu, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế lưu ý, trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.
Đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác với các thông tin như tên sản phẩm, tên - địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhập khẩu, thành phần, thời hạn sử dụng. Người tiêu dùng nên chọn những hãng rượu uy tín lâu năm trên thị trường vì các loại rượu thủ công, nhỏ lẻ có thể không được kiểm tra chất lượng thường xuyên, nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất không đảm bảo an toàn, không công bố chất lượng sản phẩm và không được cấp phép lưu hành. Tuyệt đối không sử dụng các loại rượu trôi nổi, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trên thị trường.
Ngoài ra, một cách khác để nhận biết rượu là đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt. Đối với cách thử rượu trực tiếp, theo ThS Trần Việt Nga, rượu chứa methanol có vị hơi ngọt. Thêm vào đó, khi uống thấy có cảm giác sốc, khó chịu thì khả năng cao là rượu pha cồn.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, biện pháp tốt nhất là người dân cần hạn chế uống rượu, bia, nhất là không uống khi cơ thể ở trạng thái mệt mỏi, sau khi ốm dậy, người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường,…Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ngộ độc methanol, từ nay cho đến cuối năm 2017, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và dịch vụ ăn uống, hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất rượu quy trình, công nghệ tốt nhất trong sản xuất rượu. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.