Nhiều khó khăn trong điều trị nghiện bằng Methadone tại Thái Bình

Thứ sáu, 05/10/2018 17:51
(ĐCSVN) - Sau 4 năm triển khai đồng loạt Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên toàn tỉnh, Thái Bình đã thu được nhiều kết quả quan trọng, với sự tham gia tích cực của người nghiện và gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác này cũng gặp không ít khó khăn.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.T)


Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có trên 1.300 người nghiện ma túy đang điều trị bằng Methadone ở 9 cơ sở và 7 điểm cấp phát thuốc tại 8 huyện, thành phố. Theo các bác sỹ, sử dụng Methadone là qua đường uống, không tiêm chích nên giảm được tỷ lệ lây nhiễm HIV. Đặc biệt, còn làm giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện. Tuy nhiên, điều trị bằng Methadone là biện pháp lâu dài, nên hiện tượng bệnh nhân bỏ trị do thiếu kiên trì đã diễn ra tại một số địa phương.

Y sỹ Lương Thị Thanh Thủy, cán bộ cơ sở điều trị Methadone huyện Vũ Thư cho biết: "Nhiều BN còn sa đà, bị lôi kéo.. Có rất nhiều bệnh nhân không có nghị lực thì vẫn quay lại con đường cũ hoặc vẫn còn tính cũ trộm cắp thì bị bắt và cho đi cai nghiện tập trung cũng khá nhiều".         

Chị Nguyễn Thị Ngọc Phượng, cán bộ cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thái Bình cho biết thêm: Bệnh nhân vào điều trị rồi thì bây giờ người ta không sử dụng heroin nữa mà chuyển sang các loại ma túy khác như ma túy đá hay thuốc lắc thì sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị và thời gian vào điều trị.     

Cơ sở điều trị Methadone phải làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả lễ tết. Trong khi đó, thái độ, ý thức của một số bệnh nhân rất kém đã đe dọa bác sĩ điều trị, cán bộ của cơ sở. Môi trường làm việc phức tạp, nhiều áp lực, nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa thỏa đáng là những khó khăn phần nào ảnh hưởng đến tinh thần và sự gắn kết với bệnh nhân của các y bác sĩ.

Bác sĩ chuyên khoan I Trịnh Văn Quý, trưởng cơ sở điều trị Methadone huyện Vũ Thư chia sẻ: "Kinh phí hiện nay thu theo quy định của Hội đồng nhân dân là 10 nghìn đồng/bệnh nhân/ngày và gia đình chính sách là 5 nghìn đồng. Số thu ấy chỉ đủ chi trả cán bộ hợp đồng và chi phí phụ phí cho bệnh nhân uống thuốc hàng ngày còn cán bộ kiêm nhiệm hiện nay chúng tôi cũng rất khó khăn trong vấn đề làm thứ 7 chủ nhật ngày lễ tết nhưng về phần kinh phí cũng không có để đảm bảo hợp lý cho cán bộ làm thêm giờ"

Vai trò của cấp ủy, chính quyền nhiều nơi còn hạn chế, ỷ lại cấp trên, hoặc khoán cho ngành y tế. Một số địa phương chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sự phối hợp liên ngành, nhất là Công an, Y tế và Lao động thương binh và xã hội chưa chặt chẽ. Những yếu tố này cũng dẫn đến hạn chế trong vận động người nghiện tham gia điều trị và duy trì hiệu quả điều trị sau khi bệnh nhân ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Trưởng cơ sở điều trị Methadone, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Thái Bình cho biết: "Chúng tôi cũng có kiến nghị với UB tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp các ngành từ tỉnh xuống cơ sở phối hợp tốt hơn nữa trong tuyên truyền vận động người nghiện tham gia điều trị và cũng phối hợp tốt hơn nữa giữa các ban ngành đoàn thể cùng ngành y tế chúng tôi để chúng ta cùng chung tay điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao đề nghị các sở ngành, đặc biệt là Sở Lao động thương binh và xã hội có tham mưu tốt với ủy ban tỉnh để tạo cơ chế việc làm cho người bệnh sau khi điều trị để bệnh nhân ổn định và đảm bảo cuộc sống".    

Có thể nói, uống Methadone là liệu pháp điều trị chuẩn quốc tế cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Khi được kiểm soát chặt chẽ, đây là liệu pháp cực kỳ hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Ngoài việc dự phòng lây truyền HIV, chương trình điều trị Methadone còn mang ý nghĩa hết sức nhân văn, giúp người nghiện ma túy thay đổi hành vi, lối sống, phục hồi nhân cách, hoà nhập cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho gia đình và sự bình yên của xã hội. Chính vì thế, chương trình cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả cộng đồng để phát huy được những hiệu quả tích cực này.   

M.P
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực