(ĐCSVN) – Có vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã từng bước lồng ghép y học cổ truyền vào hệ thống y tế quốc gia, kết hợp với y học hiện đại, qua đó phục vụ hiệu quả cho công tác điều trị các bệnh mãn tính.
|
Các loại dược liệu có vai trò quan trọng trong lĩnh vực y học cổ truyền. (Ảnh: VT) |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, các nước đang có xu hướng sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền, theo đó có khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển, việc chăm sóc sức khoẻ ít nhiều có liên quan đến y học cổ truyền hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khoẻ.
Thực tế cho thấy, nếu như y học hiện đại có thể giúp chẩn đoán đúng bệnh và điều trị cấp tốc những trường hợp cấp cứu thì y học cổ truyền lại giúp những người mang di chứng có thể trở lại đời sống bình thường. Bằng các phương pháp cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu các bệnh nhân bị tai biến mạnh máu não, di chứng liệt người có thể dần phục hồi chức năng.
Theo PGS. TS Phạm Vũ Khánh – Cục trưởng Cục quản lý Y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, việc chẩn đoán bệnh và điều trị cấp cứu thuộc về thế mạnh của y học hiện đạo, tuy nhiên y học cổ truyền lại rất hữu ích đối với các bệnh nhân mắc bệnh mã tính hoặc di chứng do tai biến.
Một bệnh nhân sau khi phẫu thuật có thẻ mắc chứng bí tiểu, nếu uống tân dược chưa chắc đã đạt được hiệu quả, nhưng chỉ cần sử dụng phương pháp châm cứu là có thể đi lại bình thường. Bên cạnh đó, việc chữa bệnh mãn tính bằng y học cổ truyền còn có giá thành điều trị thấp, phù hợp với những người có thu nhập thấp, vùng khó khăn.
Tuy nhiên, việc phát triển Y học cổ truyền cũng đang gặp phải không ít khó khăn do cuộc sống hiện đại, xu hướng thành thị hóa cũng đang “cuốn đi” khuông ít những bài thuốc quý, những bài thuốc dân gian được truyền lại từ thế hệ đi trước. Mặt khác, nguồn dược liệu dùng để làm thuốc cũng đang ngày càng khan hiếm. Việc bảo hiểm y tế chỉ mới chú trọng chi trả cho các danh mục thuốc y học hiện đại cũng đang ngăn cản người bệnh tìm đến với y học cổ truyền…
Do đó nhu cầu đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực y học cổ truyền đang là vô cùng cấp thiết trước xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên việc phát triển phải đi đồng thời giữ được các bản sắc của y học cổ truyền và bảo tồn, duy trì các nguồn dược liệu.
Để làm được điều này, ngoài việc chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học trong chẩn đoán và điều trị cần phải biếtvận dụng tri thức sử dụng cây cổ trị bệnh của cộng đồng và lý luận của nền y học cổ truyền. Đồng thời nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển các loại dược liệu quý để hạn chế sự lệ thuộc vào nguồn dược liệu tự nhiên và nhập khẩu. Song song với đó là việc đẩy mạng hợp tác trong đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực chuyên ngành…