Hiện nay, thừa cân - béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân – béo phì. Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân – béo phì có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua, đặt biệt là ở khu vực thành phố. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân –béo phì tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 12%, sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TP. Hồ Chí Minh trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.
Cũng theo thông kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhi có độ tuổi dưới 15 nhưng đã có đến 5 - 6 năm chung sống với bệnh đái tháo đường. Hầu hết những trường hợp này bị thừa cân, béo phì. Nhiều trẻ chỉ học lớp 4, 5 nhưng có cân nặng lên đến 70 - 75 kg. Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi đều có nguy cơ thừa cân – béo phì.
Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân. Trẻ mang một số gen trong các nhóm gen như nhóm gen kích thích sự ngon miệng,nhóm gen liên quan đến tiêu hao năng lượng, nhóm gen điều hoà chuyển hoá, nhóm gen liên quan đến sự biệt hoá và phát triển tế bào mỡ. Những trường hợp này thường gặp ở trẻ có bố mẹ bị thừa cân-béo phì.
Ngủ ít cũng được xem như một là một yếu tố nguy cơ cao đối với thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi. Một số tác giả cho rằng hoạt động tiêu mỡ của cơ thể đạt tối đa về đêm và ngủ ít làm giảm tiêu mỡ nói chung.
Thừa cân béo phì có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa khớp, đau thắt lưng…khi trọng lượng cơ thể tăng thì sức nặng đè lên các khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối, cổ chân làm cho các khớp này sớm bị tổn thương và lão hóa nhanh. Hậu quả là gây đau đớn và khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: VA)
Với Hệ nội tiết, chuyển hóa, tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút,
Thừa cân – béo phì cũng dẫn đến rối loạn tiêu hóa, dễ bị sỏi trong gan, gan nhiễm mỡ sớm do tiêu thụ lượng lớn đường fructose và chất tạo ngọt High fructose corn syrup (HFCS) có trong nước có ga và các loại thực phẩm đóng hộp. Đường fructose và chất tạo ngọt HFCS đến gan sẽ chuyển hóa một phần thành acid béo gây tình trạng gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, còn anh hưởng đến tâm lý của trẻ: khi bé bắt đầu đi học, sẽ dễ bị tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dẫn đến chán chường, không muốn đi học. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm.
Theo các bác sĩ dinh dưỡng, một trong những biện pháp về phòng chống béo phì tại trường là giúp trẻ giảm cân hợp lý, phù hợp với tâm, sinh lý của trẻ: tập cho trẻ vận động vừa sức, cho trẻ tập thể dục chơi các loại trò chơi giúp tăng chiều cao; hồ bơi của trường hoạt động hết công suất, ưu tiên cho trẻ béo phì; lao động trực nhật vừa sức; đây là loại hình lao động trẻ thích thú nhất, trẻ rất vui khi được cô giao nhiệm vụ.
Ngoài ra, về chế độ ăn của trẻ thì béo phì uống sữa gầy (sữa tách béo); giảm bớt lượng cơm trong bữa ăn; cho trẻ ăn nhiều rau, nhiều trái cây (trẻ có cảm giác no nhưng nhanh đói, bù lại trẻ sẽ được cung cấp nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe); giáo viên chú ý giáo dục cho bé một số kiến thức cơ bản, để bé có thể tự phòng chống béo phì (không ăn nhiều bánh kẹo, ăn nhiều rau trái, tích cực vận động vừa sức, nhai kỹ khi ăn, không xem ti vi nhiều…). Trẻ béo phì nếu không tích cực chữa trị sẽ trở thành người lớn béo phì. Béo phì – bệnh khó chữa nhưng nếu được quan tâm đúng mức nhất là có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, chắc chắn sẽ thành công. Trẻ sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc trong vòng tay của thầy cô và ba mẹ.