Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn dược liệu

Thứ tư, 04/11/2015 14:47

(ĐCSVN) - Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Vũ Tuấn Cường, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng, phát triển dược liệu. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa ngành dược liệu, xứng đáng với tiềm năng của tỉnh, vẫn còn nhiều công tác cần quan tâm, chú trọng.

Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho việc nuôi trồng, phát triển dược liệu với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu ôn hòa. Ngoài ra, Quảng Ninh có quỹ đất dồi dào với diện tích đất tự nhiên 6.102km2, trong đó, diện tích rừng trên 388.000 ha với độ che phủ đạt 51%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 39,7% của cả nước. Rừng Quảng Ninh có thảm động, thực vật phong phú, gồm 1.027 loài thực vật và 120 loài động vật, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh, còn một số khu vực có thảm thực vật nguyên vẹn, trữ lượng dược liệu lớn như: Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, Rừng quốc gia Yên tử,…Bên cạnh đó, với trên 250km đường bờ biển, 6.100 km2 ngư trường, gồm hơn 40.000 ha bãi triều và 20.000 ha eo vịnh, đây là khu vực sinh sống của nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, hàu, bào ngư, sò huyết và sá sùng,…trong đó có nhiều loài có tác dụng làm thuốc như: hải sâm, bào ngư, hàu,…

Mô hình nuôi hàu tại Quảng Ninh (Ảnh: BT)

Đứng trước thực trạng khai thác, nuôi trồng phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với ưu đãi của điều kiện tự nhiên và các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công tác dược liệu trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Cụ thể, tỉnh tổ chức điều tra, xây dựng quy hoạch trồng cây thuốc, trong đó, để bảo vệ nguồn dược liệu của tỉnh, Sở Y tế Quảng Ninh đã tham mưu và thực hiện Dự án “Điều tra, đề xuất quy hoạch trồng cây thuốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2015, qua đó, đánh giá được tổng thể tài nguyên cây thuốc tại các vùng, miền trong tỉnh, đồng thời sẽ xây dựng được quy hoạch, định hướng phát triển cây thuốc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Kết quả bước đầu thực hiện điều tra cho thấy, Quảng Ninh là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, ngoài những cây thuốc đã ghi nhận trên địa bàn tỉnh, qua điều tra có một số phát hiện như: 1 loài Litsea có chứa tinh dầu đặc biệt, hàm lượng tinh dầu cao; có mặt của cây đảng sâm, cây lan kim tuyến,…

Thêm vào đó, tỉnh đã đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư như chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, điều chỉnh giá thuê đất, hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về vốn tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất, giãn nộp thuế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết cắt bỏ những nội dung, thủ tục rườm rà; thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và 5 huyện, thị xã, thành phố hoạt động theo cơ chế “một thẩm định, một phê duyệt” với nguyên tắc, “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoạt động”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Quảng Ninh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để đồng hành, lắng nghe những kiến nghị, chia sẻ khó khăn và tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hóa.

Nấm linh chi là một trong những dược liệu quý được trồng tại tỉnh (Ảnh: BT)

Về chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển dược liệu, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1066/2015/QĐ-UBND quy định các chính sách đặc thù ưu đãi đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và cụ thể hóa một số chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu như: hỗ trợ giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, thuê đất; hỗ trợ về vốn và thuế, có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất và chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ dược liệu hoặc đầu tư vùng nuôi trồng phát triển nguồn nguyên liệu. Hỗ trợ nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu và chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, kéo điện lưới và làm đường giao thông đến hàng rào của dự án. Hỗ trợ phát triển vùng trồng tập trung cây dược liệu, bao gồm: hỗ trợ chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nhà lưới, vật liệu làm giống và mua thiết bị để sản xuất giống và trồng cây thuốc.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, việc khai thác và buôn bán tài nguyên cây thuốc còn quá mức, chưa quan tâm đến tái sinh, bảo tồn dẫn đến nhiều cây thuốc giảm sút số lượng nhanh chóng, các dược liệu chủ yếu thu hái và kinh doanh dưới dạng thô, đóng gói trong bao tải dẫn đến giá trị thấp.

Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra trong việc khai thác dược liệu tự nhiên đó là kỹ thuật thu hái theo kỹ thuật khai thác truyền thống đang được phần lớn nhân dân áp dụng, việc thu hái dược liệu chưa quan tâm nhiều đến mùa, vụ, tuổi của cây, hình thức thu hái thường là thu cả cây, thay vì chỉ thu hái bộ phận dùng làm thuốc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dược liệu được thu hái và là một nguyên nhân gây ra sự giảm sút số lượng của loài cây thuốc trong tự nhiên.Thêm vào đó, những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên thu hẹp nhanh do chuyển đổi cơ cấu cây trồng: chuyển sang trồng keo, thông, samu,…dẫn đến làm thay đổi hệ sinh thái, hậu quả tất yếu là nhiều cây thuốc quý bị mất đi, trữ lượng của các loài dược liệu giảm.

Bởi vậy, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Vũ Tuấn Cường, để phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh ổn định và bền vững, có thệ thống, cần chú trọng tới công tác tham gia đồng bộ của các cơ quan từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các Sở, ban, ngành; trong đó, có chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị.

Bên cạnh đó, cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển dược liệu nói riêng. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, giới thiệu các tiềm năng, mô hình phát triển trên địa bàn thông qua các Hội thảo, báo chí, truyền hình,…thông qua đó thu hút các nhà đầu tư và nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm bảo tồn, nuôi trồng, phát triển cây thuốc./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực