Tăng thuế thuốc lá có lợi cho sức khỏe người dân và ngân sách

Thứ tư, 07/11/2018 18:19
(ĐCSVN) - Làm giảm sử dụng thuốc lá, thông qua đó giảm bệnh tật, tử vong và giảm chi phí khám chữa bệnh do sử dụng thuốc lá, đồng thời giúp tăng thu thuế, tăng thuế thuốc lá được xem là giải pháp để đạt được những lợi ích trên.

Ảnh minh họa (Ảnh: Khánh Linh)

Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, đến năm 2030 có khả năng sẽ tăng lên tới 70.000 người/năm nếu các biện pháp can thiệp bao gồm tăng thuế thuốc lá không được thực hiện một cách hiệu quả.

Tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm. Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật và tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc gây ra ở Việt Nam.

Theo luật hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá bằng 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên, khi tính theo chuẩn quốc tế là thuế trong giá bán lẻ, thì tỷ lệ của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới 56% và thấp hơn đa số các nước ASEAN. Vì vậy, giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thấp hơn phần lớn các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc tăng thuế thuốc lá cần được quan tâm. Bởi, tăng thuế thuốc lá có hai lợi ích cơ bản: làm giảm sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật và tử vong và giảm chi phí khám chữa bệnh do sử dụng thuốc lá; tăng thu thuế của Chính phủ. Chính vì vậy, tăng thuế được gọi là biện pháp có lợi đôi đường: lợi cho sức khỏe người dân và lợi cho ngân sách của Chính phủ.

Cụ thể, tăng thuế thuốc lá làm giảm sử dụng và ngăn ngừa trẻ em bắt đầu hút thuốc. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng thuế thuốc lá làm tăng giá thuốc lá dẫn đến một bộ phận người hút thuốc giảm số lượng điếu hút, đồng thời giúp ngăn ngừa một số người không bắt đầu hút thuốc.

Theo hướng dẫn của WHO, trung bình nếu giá thuốc lá tăng 10%, tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm 4% ở những nước có thu nhập cao và 5% ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Đặc biệt, tăng thuế thuốc lá đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm vị trẻ thành niên. Ước khi tăng thuế để giá tăng 10% thì tỷ lệ giảm tiêu dùng ở nhóm này cũng là 10% hoặc cao hơn.

Một điều quan trọng nữa là tăng thuế thuốc lá làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo ước tính của WHO, Chính phủ các nước trên thế giới có thể thu thêm 141 tỷ USD từ thuế thuốc lá nếu tăng thuế với mức trung bình 0,8 USD mỗi bao.

Tăng thuế thuốc lá làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi nhưng doanh thu thuế vẫn tăng vì: thuốc lá là loại hàng hóa có tính gây nghiện nên tốc độ giảm tiêu dùng sẽ chậm hơn tốc độ tăng giá. Do sự gia tăng dân số nên ngay cả khi tỷ lệ hút thuốc giảm thì tổng số người hút có thể chưa giảm hoặc giảm chậm.

Theo kinh nghiệm cải cách thuế thuốc lá của Philippines, nước này áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá theo thuế suất tuyệt đối. Trước 2012, Philippines áp dụng hệ thống thuế 4 tầng, với các mức thuế khác nhau dao động từ 2,72 peso tới 28,3 peso một bao thuốc. Năm 2012, Luật cải cách thuế được thông qua, chuyển cấu trúc thuế 4 tầng xuống 2 tầng. Từ năm 2013-2016, thuế suất tăng đều mỗi năm. Năm 2017, thống nhất một mức thuế chung 30 peso/bao thuốc, sau 2017 thuế tăng đều mỗi năm 4%.

Từ quá trình trên, gia trung bình mỗi bao thuốc đã tăng từ 21,1 peso năm 2012 lên 31,3 peso năm 2013. Doanh thu từ thuế thuốc lá của Chính phủ đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 năm, từ 680 triệu USD năm 2012 lên 1,66 tỷ USD năm 2013 và tiếp tục tăng lên thành 2,2 tỷ USD vào năm 2015. Phần lớn số gia tăng từ thu thuế được dành cho y tế, chủ yếu là chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.

Về đề xuất phương án tăng thuế thuốc lá, Bộ Y tế Việt Nam ủng hộ bổ sung thuế tuyệt đối. Bằng chứng và xu thế trên thế giới cho thấy thuế thuốc lá sẽ hiệu quả hơn nếu chuyển sang thuế hỗn hợp hoặc tốt hơn nữa là chỉ áp dụng thuốc tuyệt đối. Về khía cạnh kinh tế, thuế tuyệt đối có tác động chắc chắn lên giá; dễ quản lý thu thuế/ước tính nguồn thu hơn do số thu thuế tính trên số lượng bao thuốc bán ra, giảm hiện tượng chuyển dịch tiêu dùng từ giá cao xuống giá thấp, có hiệu quả tốt hơn trong việc phòng ngừa sử dụng thuốc lá cho giới trẻ và người có thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các lần tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam (năm 2008 và 2016) cho thấy, tăng thuế có tác dụng giảm tiêu dùng thuốc lá, tuy nhiên do thu nhập tăng liên tục nhờ tăng trưởng kinh tế nên nếu chỉ tăng thuế một lần và ở mức thấp thì tiêu dùng chỉ giảm trong ngắn hạn rồi tăng trở lại. Do đó, thuế cũng phải tăng đều qua các năm để đảm bảo theo kịp tốc độ tăng thu nhập./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực