Ảnh minh họa. (Ảnh: V.H)
Trong thực tế, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa mưa. Bởi, đối với đại đa số người dân thường có thói quen dự trữ nước mưa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, và mỗi khi đến mùa mưa dụng cụ chứa nước mưa trong cộng đồng lại tăng lên đột biến, và những dụng cụ chứa nước này nếu không được bảo quản, đậy nắp cẩn thận sẽ là nơi trú ẩn và sinh sản lý tưởng của muỗi vằn.
Cùng đoàn kiểm tra của Sở Y tế đến xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy - một trong những “điểm nóng” của dịch sốt xuất huyết, chúng tôi nhận thấy, những bình hoa, lọ nước, chum vại đọng nước mưa vẫn tồn tại rất nhiều trong các hộ dân. Đáng lưu ý, đây lại là tình trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh.
Khi được hỏi về ý thức phòng chống dịch tại cộng đồng, bà Vũ Thị Vui, người dân ở huyện Vũ Thư chia sẻ: Số dân người cũng chưa nhận thức đầy đủ về phòng chống SXH. Các rãnh nước hoặc chỗ nước đọng hoặc chỗ bụi rậm cây cối um tùm họ cũng chưa tẩy uế sạch sẽ.. còn 1 số dân họ cũng chưa.. hợp tác phun phòng chống muỗi.
Còn một người khác ở huyện Tiền Hải thì chia sẻ: Người dân chưa biết SXH như thế nào nên chúng tôi chưa đề phòng, không biết muỗi sinh sản như thế nào nên còn để những chỗ bẩn thỉu, chum vại, nước đọng.
Tập quán tích trữ nước của người dân nông thôn cũng chưa có nhiều thay đổi. Nhiều người vẫn hiểu nhầm rằng, muỗi chỉ trú ngụ tại những nơi tối tăm, bụi bặm. Nhưng, thực chất, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ưa đẻ trứng ở những nơi nước sạch. Do đó, phòng bệnh sốt xuất huyết không chỉ là “khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm” mà còn phải chủ động diệt loăng quăng, lật úp những dụng cụ chứa nước không cần thiết. Bình đựng nước sạch, nước mưa, kệ đựng nước cho gia cầm,... đều là những nơi muỗi có thể sinh sản. Bên cạnh đó, hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất chống dịch tại một số địa phương còn chưa hiệu quả do sự thiếu hợp tác của người dân với nhân viên y tế.
Về biện pháp khắc phục tình trạng này, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Chúng tôi sẽ tập trung triển khai một số biện pháp mạnh.. chỉ đạo triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường.. phải thật cụ thể và chuyển động tới từng thôn làng và từng người dân, vệ sinh các vật phế thải, các dụng cụ chứa nước không cần thiết, làm sao không có nơi trú ngụ của muỗi và bọ gậy.. tăng cường tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp cụ thể về phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt các hoạt động cụ thể của từng người dân và từng hộ gia đình.
Dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến khó lường, nếu chỉ riêng ngành y tế huy động nhân lực, vật lực để phòng chống dịch mà không có sự vào cuộc của người dân, thì việc khống chế dịch sẽ còn gian nan và số người mắc hoặc thậm chí là tử vong có lẽ sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nếu phát hiện bệnh muộn hoặc không đưa đến các cơ sở y tế kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tê liệt, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến khả năng tử vong cao, nhất là đối với trẻ em bị sốt xuất huyết. Vì vậy, mỗi người dân khi thấy có biểu hiện sốt cao kèm đau đầu, cơ thể mệt mỏi cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán bệnh sớm.
Để sốt xuất huyết không có điều kiện bùng phát, lây lân, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, mỗi người dân cũng cần chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.