|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Theo Cục Công nghệ thông tin (CNTT) – Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của Cục CNTT & Thống kê hải quan, Cục CNTT – Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Quản lý Dược xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến đối với các 5 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực dược phẩm và kết nối liên thông với Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể gồm 5 thủ tục sau:
Một là, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả, thiên tai, thảm họa;
Hai là, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc mà không có cùng hoạt chất và đường dùng với thuốc đang lưu hành tại Việt Nam, vắc xin dùng cho một số trường hợp đặc biệt với số lượng sử dụng hạn chế do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở có dữ liệu đạt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, độ an toàn;
Ba là, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có cùng tên thương mại, thành phần hoạt chất, hàm lượng hoặc nồng độ, dạng bào chế với biệt dược gốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, được sản xuất bởi chính nhà sản xuất biệt dược gốc hoặc bởi nhà sản xuất được ủy quyền, có giá thấp hơn so với thuốc biệt dược gốc lưu hành tại Việt Nam;
Bốn là, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo (Khoản a,b Điểm 1 Điều 72);
Năm là, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất để trưng bày tại các triển lãm, hội chợ liên quan đến y, dược, thiết bị y tế để tham gia trưng bày tại các triển lãm, hội chợ
Cục CNTT – Bộ Y tế đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Y tế để triển khai thí điểm các TTHC nêu trên qua Cơ chế một cửa quốc gia từ ngày 01/12/2020 đến ngày 28/02/2020.
Để triển khai thí điểm, Cục CNTT Bộ Y tế đề nghị Tổng cục Hải quan thông báo cho các đơn vị hải quan về việc chấp nhận các Giấy phép kết quả của các TTHC nêu trên là bản điện tử có chữ ký số hợp pháp được chuyển về Tổng cục Hải quan trên hệ thống từ ngày 01/12/2020. Trong thời gian thí điểm, các Thông báo/Giấy phép là bản giấy vẫn có giá trị đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép.
Từ ngày 01/3/2020, tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia. Trong các trường hợp cần thiết thì Bộ y tế vẫn cấp các Thông báo/ Giấy phép nhập khẩu là bản giấy và vẫn có giái trị để làm thủ tục hải quan đến hết hiệu lực của giấy phép.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 20/10/2020, đã có 202 TTHC liên quan đến phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của 13 Bộ, ngành được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Với việc thí điểm triển khai thêm 5 TTHC nêu trên của Bộ Y tế, số TTHC được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia được nâng lên là 207 thủ tục.
Theo Kế hoạch triển khai tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 cỉa Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg, đến hết năm 2020 dự kiến các Bộ, ngành sẽ triển khai trên 260 TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.