Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em cần cẩn trọng, đảm bảo an toàn

Thứ sáu, 22/10/2021 13:55
(ĐCSVN) - Bộ Y tế dự kiến cuối tháng 10 sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Về vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dịch tễ nhận định rằng, cần thận trọng trong việc tiêm chủng. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng chặt chẽ, phù hợp với chiến lược chống dịch tổng thể.
 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Sẽ sử dụng những vaccine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng 

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, có một số loại vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Theo đó, các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nay, đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.

Bộ Y tế dự kiến cuối tháng 10 sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình tiêm trước cho tuổi từ 16-17 và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ từ 12-17 tuổi.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, với biến chủng COVID-19 trước đây tỷ lệ trở nặng không nhiều, nhưng với biến chủng Delta thì người trẻ vẫn có tình trạng nặng và dẫn đến tử vong. Trong số các ca COVID-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%.

Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, tỷ lệ trẻ nhiễm không cao, nhưng khả năng lây lan trong trường học, điều kiện sinh hoạt, học tập là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện Bộ Y tế chưa quyết định lựa chọn vaccine nào nhưng sẽ sử dụng những vaccine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tham khảo tất cả các nghiên cứu trên thế giới để áp dụng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các loại vaccine áp dụng cho trẻ em tại Việt Nam.

Còn GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện nay có 2 loại vaccine có thể tiêm cho trẻ em gồm: Vaccine Pfizer tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi, sau đó có thể tiêm cho lứa tuổi trẻ nhỏ hơn. Vaccine thứ 2 là Sinopharm theo khuyến cáo của nhà sản xuất có thể tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Hiện ngành y tế đang có những hướng dẫn hoặc kế hoạch để triển khai chiến dịch tiêm cho trẻ em trong thời gian sớm nhất.

Thận trọng, bảo đảm an toàn cho trẻ

Về vấn đề tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em tại Việt Nam, nhiều chuyên gia dịch tễ nhận định rằng, cần thận trọng trong việc tiêm chủng. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng chặt chẽ, phù hợp với chiến lược chống dịch tổng thể.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn. Do đó, việc tiêm vaccine cho nhóm tuổi này nên được tiến hành khi toàn bộ người lớn thuộc diện có nguy cơ cao đã được tiêm chủng.

Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi một từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Các Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Bộ Y tế cũng  lưu ý tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định.

Hiện nay, vaccine COVID-19 được ví là "chìa khóa" để ngành giáo dục thích ứng an toàn với dịch bệnh theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 về các quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". 

Theo thống kê, cả nước hiện có 8.1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi (thấp hơn so với số ước tính trước đây). Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho 95% trẻ trong lứa tuổi này.

Điều cần lưu ý đầu tiên để trẻ từ 12-17 tuổi được thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19 là cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo Công văn 8688/BYT-DP.

Trước khi tiêm vắc xin COVID-19, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tuân thủ các quy định phòng chống dịch như: khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vắc xin hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng. Về tinh thần chung, tất cả các loại vắc xin đều phải thận trọng, không riêng vắc xin COVID-19.

Sau khi tiêm vắc xin, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

Thanh Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực