Ảnh minh họa (Ảnh: TD)
Theo Cục Quản lý khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), thực hiện công tác chỉ đạo tuyến theo Quyết định 4026/QĐ-BYT, cả nước đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới, trong đó, Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000, tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt cán bộ. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật, đồng thời hầu hết các kỹ thuật được đánh giá thực hiện tốt, bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật.
Cùng với đó, đã trực tiếp khám chữa cho hơn 4,5 triệu người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tyến dưới với hơn 2.000 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 52.000 lượt cán bộ tham gia.
Thông qua đó, công tác chỉ đạo tuyến đã giúp giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương. Cụ thể, giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30%. Ở một số địa phương, những loại bệnh trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch,…Công tác chỉ đạo tuyến đã giúp cho người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn và nhất là đồng bào dân tộc, người nghèo được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế có chất lượng cao, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, công tác chỉ đạo tuyến đã có chuyển biến tích cực, các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế, bệnh viện tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đã có sự phối hợp hiệu quả giữa việc thực hiện công tác chỉ đạo tuyến với các chương trình, dự án khác; đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chỉ đạo tuyến đã thay đổi nhận thức từ bị động sang chủ động.
Tuy vậy, theo Cục Quản lý khám - chữa bệnh, công tác chỉ đạo tuyến hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Trong đó, công tác quán triệt, phổ biến tuyên truyền về công tác chỉ đạo tuyến chưa thật đầy đủ; một số đơn vị và cán bộ chưa hiểu đúng về chủ trương, mục tiêu cũng như nội dung của hoạt động chỉ đạo tuyến.
Một số bệnh viện chưa làm tốt khâu khảo sát nhu cầu dẫn đến khi triển khai thiếu thực tế và hoạt động bị động, còn lúng túng trong việc lập dự toán và sử dụng kinh phí công tác chỉ đạo tuyến. Công tác chuẩn bị nhận cán bộ bệnh viện tuyến trên đến thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến chưa đẩy đủ; một số lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm đến công tác chỉ đạo tuyến, chỉ đạo hoạt động theo kiểu hình thức, phong trào. Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo công tác chỉ đạo tuyến và chuyển tuyến theo quy định. Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị chưa kiện toàn tổ chức, nhân sự, chưa bố trí kinh phí cho hoạt động chỉ đạo tuyến; phân công công tác chỉ đạo tuyến còn chưa đầy đủ, rõ ràng; mô hình tổ chức chỉ đạo tuyến còn chưa thống nhất ở các tuyến.
Theo Cục Quản lý khám - chữa bệnh, để làm tốt công tác chỉ đạo tuyến, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nhân lực, kinh phí, phân công chỉ đạo tuyến và cơ chế phối hợp trong hoạt động chỉ đạo tuyến. Tiếp tục phổ biến, quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về chủ trương triển khai thực hiện các hoạt động chỉ đạo tuyến. Thông qua đó, tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức y tế.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, duy trì, phát huy chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm, phòng, bộ phận chỉ đạo tuyến các cấp. Đưa hoạt động chỉ đạo tuyến từ bệnh viện Trung ương và các bệnh viện lớn của thành phố về hỗ trợ địa phương đi vào chiều sâu chất lượng, đồng thời với việc nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đối với các bệnh viện cần tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nghiêm túc việc khảo sát, đánh giá xác định nhu cầu tuyến dưới, xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức kỹ năng cho cán bộ làm công tác chỉ đạo tuyến./.