Để thông tin kỹ hơn, chúng tôi đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam xung quanh các nội dung này bởi đây cũng là một trong nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.
Phóng viên (PV): Xin ông thông tin rõ hơn về nhận định các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số của TP Hải Phòng trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt kết quả nổi bật?
Đồng chí Lê Khắc Nam: Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của Sở y tế TP. Báo cáo của Sở này cũng chỉ rõ một số kết quả nổi bật, cụ thể gồm: giảm tỷ lệ mắc bệnh lao ở mức 90/100 nghìn dân; duy trì 100% người bệnh phong dị hình tàn tật được chăm sóc y tế, hòa nhập cộng đồng; giảm tỷ lệ mắc sốt rét ở mức 0,001/1 nghìn dân, không có trường hợp tử vong do sốt rét; giảm 8% tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trung bình/100 nghìn dân so với giai đoạn 2011-2015…
Dự án tiêm chủng mở rộng thực hiện tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi toàn thành phố đạt hơn 97%; đẩy mạnh tiêm vắc xin VGB mũi 1 trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đạt hơn 80%. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ghi nhận giảm cả ở 3 chỉ số (nhiễm mới, chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS).
Cũng trong giai đoạn vừa qua, các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác dân số - KHHGĐ đều đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra: quy mô dân số năm 2020 của Hải Phòng là 2,06 triệu người; tỷ lệ dân số tự nhiên luôn ổn định ở mức 0,96-0,99%; tổng suất sinh năm 2019 là 2,2 con/phụ nữ…
|
Đoàn cán bộ y tế Hải Phòng tiếp viện cho TP Đà Nẵng trong đợt bùng phát COVID-19 (Ảnh: PV) |
PV: Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân thành công của những chương trình trên trong địa bàn TP?
Đồng chí Lê Khắc Nam: Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế Hải Phòng phát triển vượt bậc, do vậy thành phố có thêm nhiều điều kiện quan tâm đầu tư phát triển y tế, hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ như Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra. Trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư cho các bệnh viện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, chỉ tiêu đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong thời gian tới, thành phố sẽ cân đối nguồn ngân sách, bố trí hài hòa các khoản đầu tư để tạo sự phát triển toàn diện trong chương trình mục tiêu y tế - dân số.
PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về các giải pháp để phát huy các kết quả tích cực và khắc phục hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai công tác y tế - dân số của TP?
Đồng chí Lê Khắc Nam: Tôi cho rằng, các cấp, ngành Trung ương cần nhanh chóng tham mưu, kiến nghị đề nhanh chóng hoàn thiện một số quy định chính sách để quá trình triển khai được hiệu quả, thiết thực và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đơn cử như, về tài chính, đề nghị các Bộ: Y tế, Tài chính sớm tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Hay về chính sách sửa đổi, cần ban hành định mức chi ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng tuyến huyện phù hợp với từng vùng, miền và điều kiện địa lý, mô hình bệnh tật, bảo đảm đủ tiền lương và các chế độ, chính sách cho viên chức y tế cơ sở; Xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động và cơ chế thanh toán dịch vụ đối với khám bệnh, chữa bệnh lưu động; cấp thuốc thông thường cho ngư dân đánh bắt xa bờ; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.
Về Bảo hiểm y tế (BHYT) đề nghị Bộ Y tế tham mưu cho Quốc hội xem xét sửa đổi quy định về tỷ lệ cùng chi trả của một số đối tượng tham gia BHYT; quy định rút ngắn thời gian thẩm định, quyết toán chi phí vượt quỹ trong Luật BHYT; nghiên cứu nâng mức đóng BHYT phù hợp để đảm bảo đủ chi phí khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT; kiến nghị BHXH Việt Nam sửa đổi, rút ngắn thời gian thẩm định, thanh quyết toán chi phí KCB, nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động khám, chữa bệnh BHYT.
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam (Ảnh: PV) |
Về Khám chữa bệnh sớm hành danh mục kỹ thuật theo hướng thu gọn lại số lượng kỹ thuật sao cho mỗi danh mục kỹ thuật chỉ có 1 tên, 1 mã và xếp loại, phân loại thủ thuật ngay trên 1 văn bản; có giá dịch vụ kỹ thuật đầy đủ để các cơ sở KCB và cơ quan BHXH thanh toán BHYT tạo thuận lợi cho việc thanh toán; sớm xây dựng và ban hành thông tư quy định cụ thể để triển khai mô hình bác sĩ gia đình; xem xét điều chỉnh quy định về đội ngũ y tế thôn bản để bảo đảm cho đội ngũ này duy trì hoạt động thường xuyên, tham gia hiệu quả vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu của trạm y tế xã.
Về bộ máy tổ chức sửa đổi Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 để hướng dẫn xếp hạng đơn vị sự nghiệp y tế công lập nhất là đối với các Trung tâm y tế đa chức năng sau sáp nhập; sớm có hướng dẫn về xây dựng vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Thiết nghĩ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng cần tăng cường chỉ đạo sát sao đối với Ngành Y tế TP để tạo thêm những thay đổi toàn diện, tiến bộ rõ nét của hệ thống y tế trên địa bàn trong những năm gần đây. Để công tác y tế TP Hải Phòng nói chung và việc thực hiện Nghị quyết số 20, 21 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam nói riêng, tới đây, TP cũng mạnh dạn đề xuất tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho y tế; tăng cường nhân lực chất lượng cao về tuyến xã, thực hiện luân chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng các đơn vị khám chữa bệnh bằng nguồn ngân sách địa phương, xã hội hóa, trái phiếu … Bên cạnh đó, chủ động có kế hoạch triển khai chương trình sức khỏe Việt Nam hướng tới dự phòng tốt cho người dân trước khi bị bệnh. Đồng thời phải tăng cường y tế tuyến cơ sở, tăng cường triển khai mô hình bệnh viện Xanh - Sạch – Đẹp, hướng đến sự hài lòng của người bệnh…
Thêm nữa, cần giải quyết triệt để các bất cập trong bảo hiểm y tế của người dân; linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai cơ chế chính sách, tăng cường nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao; bố trí nguồn lực cho đến công tác đào tạo chỉ đạo các bệnh viện; phát triển các kỹ thuật công nghệ cao…
PV: Xin cảm ơn đồng chí!