Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hóa dược phát triển

Thứ hai, 27/11/2017 15:01
(ĐCSVN) - Theo Bộ Công Thương, hiện nay, ngành công nghiệp hóa dược ở nước ta đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành phát triển, vẫn còn nhiều khó khăn cần triển khai các giải pháp tháo gỡ.
Ảnh minh họa (Ảnh: ĐT)

Theo Bộ Công Thương, thực hiện Quyết định 61/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/5/2007 về phê duyệt Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020. Từ năm 2008 đến nay, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Chương trình với mục tiêu tạo ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất ở trong nước, triển khai sản xuất thử nghiệm sản phẩm hóa dược ở quy mô pilot, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kết hợp với việc nhập, làm chủ và sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc. Đồng thời, đẩy mạnh việc sản xuất thử sản phẩm, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, sản phẩm mới và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất để tạo ra những nguyên liệu hóa dược có chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu ở trong nước,

Trong đó, kết quả triển khai Chương trình đã có những đóng góp hết sức tích cực với nhiều sản phẩm đã được đưa ra thị trường và đến tay người tiêu dùng. Cụ thể như sản phẩm dầu gấc do Công ty Vimedimexnghiên cứu, phát triển. Hiện đã sản xuất được 30.000 kg và bán sản phẩm dưới dạng viên nang Vicopen trị giá 13.200 triệu đồng.

Nhóm tinh bột sắn dược dụng và tá dược siêu đã do Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty CP cồn và tinh bột Phú Mỹ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm 2 sản phẩm là tinh bột sắn dược dụng (Amidon TS) công suất 1000 tấn/năm và tá dược siêu rã (Sodium Starch Glycolate) công suất 200 tấn/năm. Hiện đã bán được 1 tấn tá dược siêu rã sodium starch glycolate; 17 tấn tá dược amidon và 12 tấn amidon cho một số công ty của Việt Nam và Công ty COSLAB của Pháp.

Nhóm nano canxihydroxyapatido Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và bán 3 tấn sản phẩm canxi hydroxyapatite cho Công ty Dược phẩm Mê Linh, Công ty Dược Bảo Minh, Công ty Dược Zoro ….

Dù vậy, theo Bộ Công Thương, hiện nay, ngành công nghiệp hóa dược nước ta quy mô còn nhỏ bé, nghèo nàn về chủng loại sản phẩm với trên 90% sản phẩm phải nhập khẩu, tập trung chủ yếu trong khâu bào chế, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập. Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc gốc (generic) có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Trong số 170 cơ sở sản xuất dược phẩm, chỉ có 7 cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược với 2/7 cơ sở đạt GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc).

Nguyên liệu để sản xuất hóa dược mới chỉ có một số khoáng sản vô cơ như các quặng khoáng, axit, kiềm, muối vô cơ, dược liệu ở quy mô manh mún, các hóa chất cơ bản trung gian nói chung đều phải nhập khẩu. Hiện trong nước chỉ mới sản xuất được những hóa dược thông thường, công nghệ đơn giản. Một số hóa dược có sản lượng lớn như: trên dưới 10 tấn/năm (penicillin, aspirin, paracetamol, vitamin); vài trăm tấn (ampicilin, amoxilin, thuốc kháng lao); artemisinin và dẫn chất sản lượng 20 tấn/năm; nguyên liệu kháng sinh chỉ có 2 loại : ampicillin, amoxicillin và mới đáp ứng được 35-40% thị phần.

Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều tiềm năng và cơ hội, nhưng có thể nói ngành hóa dược Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư, nhân lực chưa được chú trọng đúng mức. Để có thể có một công thức thuốc mới (thuốc tổng hợp) các quốc gia tiên tiến trên thế giới cần có một đội ngũ đông đảo chuyên gia có chuyên môn cao với những thiết bị tiên tiến, hiện đại, chi phí đưa sản phẩm ra thị trường rất lớn, trong khi đó, năng lực tài chính, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất nghiên cứu hóa dược ở nước ta còn rất hạn chế.

Cho đến nay, Chính phủ đã có các quyết định liên quan đến chính sách, cơ chế phát triển ngành dược liệu, tuy nhiên nước ta vẫn chưa có vùng trồng dược liệu tập trung, năng suất cao, chất lượng phù hợp đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất.

Nguồn nguyên liệu cho tổng hợp hóa học còn nghèo nàn do công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp hóa dầu chưa phát triển, nên nguyên liệu đều phải nhập khẩu dẫn đến giá thành cao và khó chủ động. Với hai cường quốc về dược, hóa dược là Trung Quốc và Ấn Độ, các nước đã đi trước trong ngành hóa dược đã sản xuất các sản phẩm với giá thành và chi phí thấp, sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm nội địa của Việt Nam. Vì thế, các nhà sản xuất trong nước có tâm lý sản xuất những mặt hàng thông thường, chi phí thấp, hiệu quả không cao nhưng an toàn hơn khi sản xuất các nguyên liệu hóa dược đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, công nghệ cao, thiết bị tiên tiến.

Vướng mắc về thủ tục, một số quy định còn chưa thông thoáng nên gây khá nhiều khó khăn cho việc triển khai kết quả nghiên cứu. Ví dụ, yêu cầu đối với việc cấp số đăng ký nguyên liệu thuốc, yêu cầu điều kiện sản xuất, kinh doanh nguyên liệu thuốc,...

Đối với đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ dành cho công tác nghiên cứu còn thấp. Các cơ sở sản xuất dược, hóa dược của Việt Nam nói chung còn nhỏ về quy mô sản phẩm, về doanh thu nên không đủ tiềm lực dành cho công tác nghiên cứu triển khai. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và nhà sản xuất, khi triển khai sản xuất thử nghiệm các doanh nghiệp thường không chủ động về công nghệ, đơn vị nghiên cứu làm chủ về công nghệ, nhiều trường hợp 2 bên không thống nhất được quyền lợi và trách nhiệm là lý do dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện dự án.

Các doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng đang phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt của các nhà cung ứng ngoại từ Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu. Các chính sách hỗ trợ cho phát triển ngành cũng như hỗ trợ triển khai các nghiên cứu khoa học công nghệ chưa phát huy đầy đủ tác dụng, tạo đà và động lực cho phát triển ngành.

Để phát huy nội lực, nâng cao khả năng cung ứng trong nước, thúc đẩy phát triển ngành hóa dược theo hướng bền vững, đáp ứng được nhu cầu thị trường và từng bước hướng tới xuất khẩu, trong thời gian tới, theo Bộ Công Thương, về định hướng phát triển ngành hóa dược, cần đầu tư có trọng điểm các cơ sở sản xuất hoá chất và nguyên liệu làm thuốc. Ưu tiên đầu tư sản xuất thuốc thiết yếu, thuốc có thế mạnh xuất khẩu, thuốc từ dược liệu và thuốc gốc (generic) thay thế thuốc nhập khẩu. Chú trọng đầu tư phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu; kết hợp chặt chẽ nguồn lực về con người và trang thiết bị của ngành Dược, ngành Hóa chất với nguồn lực của các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, các Trung tâm nghiên cứu khoa học.

Trong giai đoạn tới, ngành Hóa dược bên cạnh việc tập trung vào việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cần tận dụng tiềm năng nội sinh sẵn có và có thế mạnh trong nước để xây dựng công nghiệp Hóa dược, từng bước đáp ứng nhu cầu và tạo thế chủ động cho sản xuất bào chế dược phẩm.

Để đạt được mục tiêu trên, nhà nước cần cho vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thuốc, đặc biệt là nguyên liệu thuốc thiết yếu phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng thuốc và nguyên liệu thuốc sản xuất ở trong nước (thuốc bảo hiểm y tế, thuốc cho các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế,…). Có các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể và ổn định nhằm tạo môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài; tập trung vốn ngân sách cho những công trình trọng điểm, không đầu tư dàn trải.

Giảm hoặc miễn thuế đối với những loại nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc thiết yếu phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia về thuốc và sản xuất hàng xuất khẩu. Các dự án sản xuất nguyên liệu hóa dược phục vụ xuất khẩu từ 50% sản lượng trở lên được vay vốn ưu đãi của các ngân hàng theo quy định của pháp luật; các dự án sản xuất nguyên liệu thuốc, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh và thuốc thiết yếu khác được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Tạo lập thị trường thuận lợi, thông thoáng cho các sản phẩm hóa dược sản xuất ở trong nước, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm hóa dược kém chất lượng, không an toàn từ nước ngoài. Tăng cường chống hàng nhái, hàng giả và hàng nhập lậu. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn công tác của Chính phủ có trách nhiệm giúp đỡ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và bạn hàng xuất khẩu.

Ứng dụng mạnh mẽ các kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm nguyên liệu hóa dược và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến từ “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020” vào sản xuất.

Tăng cường năng lực và vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đối với việc phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa dược. Đẩy mạnh công tác đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và khuyến khích đầu tư vào chế biến nguyên liệu và sản xuất sản phẩm hóa dược. Xây dựng cơ sở dữ liệu về danh mục các doanh nghiệp sản xuất hóa dược và nguyên liệu phụ trợ cho ngành dược phẩm, danh mục các sản phẩm hóa dược cần ưu tiên phát triển. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hóa dược phát triển./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực